A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chính phủ số

 

QPTĐ-Báo cáo tại phiên họp của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử mới đây,  Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TTTT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong quý I hoặc đầu quý II-2021, chiến lược Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số sẽ được phê duyệt. Dự kiến các chỉ tiêu Chính phủ điện tử sẽ cơ bản hoàn thành năm 2021 với trọng tâm dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt 100%, còn Chính phủ số sẽ được hình thành vào năm 2025. Theo Bộ trưởng Bộ TTTT, chiến lược Chính phủ số đặt ra 5 mục tiêu: Cung cấp dịch vụ công chất lượng cao; huy động sự tham gia rộng rãi của người dân và doanh nghiệp; sự vận hành tối ưu của cơ quan Nhà nước dựa trên công nghệ số; giải quyết hiệu quả các vấn đề lớn trong phát triển kinh tế-xã hội như y tế, giáo dục, giao thông... 

Ảnh minh họa (Internet)

Đến nay, trên 55% dịch vụ công của các cơ quan Nhà nước đã được cung cấp trực tuyến mức độ cao (mức độ 3, mức độ 4)-cho phép người dân nộp hồ sơ thủ tục hành chính và thanh toán qua mạng. Trong năm 2020, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tăng mạnh mẽ, đạt tỷ lệ 30,86%, so với 1,42% của năm 2016, vượt mục tiêu đề ra.

Trước đó, tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương cuối tháng 12/2020, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ điện tử gồm bốn hệ thống trực tuyến, giúp tiết kiệm 8.500 tỷ đồng mỗi năm. Thời gian qua, nhiều hệ thống nền tảng của Chính phủ điện tử đã được đưa vào vận hành, giúp đổi mới lề lối làm việc trong các cơ quan Nhà nước, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp. Trục liên thông văn bản quốc gia giúp giảm được nhiều khâu, thủ tục, không phải in ấn, sao gửi giấy tờ, tiết kiệm hơn 1.200 tỷ đồng mỗi năm. Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) đã hỗ trợ đắc lực cho các phiên họp Chính phủ, với đầy đủ chức năng như cập nhật, quản lý, lưu trữ hồ sơ, tài liệu phiên họp; quản lý phiên họp… thay thế hơn 225.000 hồ sơ, tài liệu giấy; chi phí tiết kiệm được 169 tỷ đồng mỗi năm. Cổng dịch vụ công quốc gia vận hành gồm cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính; xác thực, đăng nhập một lần; thanh toán trực tuyến; hệ thống phản ánh, kiến nghị cho người dân, doanh nghiệp; tích hợp các dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương; hỗ trợ trực tuyến và Tổng đài hỗ trợ. Đến nay, đã có 2.650 dịch vụ công được tích hợp; 99 triệu lượt truy cập; hơn 412.000 tài khoản đăng ký. Đặc biệt, Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm Thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng  phục vụ thu thập, tích hợp, chia sẻ dữ liệu báo cáo của các cơ quan hành chính Nhà nước; tổng hợp, phân tích dữ liệu phục vụ Chính phủ, cơ quan hành chính các cấp; hỗ trợ lãnh đạo ra quyết định trên cơ sở dữ liệu trực quan; cho phép theo dõi, giám sát các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, chỉ tiêu Chính phủ giao bộ, ngành, địa phương… đã kết nối với 14 bộ, cơ quan và 63 địa phương. Hệ thống này giúp tiết kiệm 460 tỷ đồng mỗi năm. Năm 2020, Việt Nam được Liên hợp quốc xếp hạng thứ 86/193 quốc gia, vùng lãnh thổ về Chính phủ điện tử; tăng 2 bậc so với năm 2018. Việt Nam được xếp vào nhóm các nước phát triển Chính phủ điện tử ở mức cao so với chỉ số trung bình của thế giới.

Tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030, nhằm vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực vươn ra toàn cầu. Việt Nam sẽ phổ cập internet băng rộng cáp quang, mạng 5G; 80% dân thanh toán điện tử; thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu về an ninh mạng; 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI). Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng nói, xây dựng Chính phủ điện tử là vấn đề mới, khó nhưng “chúng ta không bàn lùi, không vì những khó khăn về tài chính, về kết nối, chia sẻ... mà không triển khai mạnh mẽ”.

Hữu Văn 
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ