A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Bão” Covid-19

 

QPTĐ-Đó là biệt danh mà Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chỉ sự khốc liệt của đại dịch Covid-19, trong một phát biểu mới đây trên sóng phát thanh của nước này. Ông Modi nói, "Bão Covid-19" làm rung chuyển đất nước khi Ấn Độ liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm mới kỷ lục thế giới. Theo công bố ngày 25/4 trên báo Times of India, Ấn Độ có thêm 349.691 ca nhiễm mới và 2.767 ca tử vong trong 24 giờ trước đó. Điều đáng lo ngại là Ấn Độ đã phát hiện có đến 3 biến thể của Sars-CoV-2 đang hoành hành. Đó là biến thể B.1.1.7 lần đầu phát hiện tại Anh, biến thể B.1.351 lần đầu phát hiện tại Nam Phi và biến thể P.1 lần đầu phát hiện ở Brazil. Cả ba biến thể này đều lây lan nhanh hơn chủng gốc. Theo Reuters, Thủ đô New Delhi đang trong tình trạng khủng hoảng y tế trầm trọng, cứ gần 4 giây lại có một người chết vì Covid-19.  

Hệ thống y tế Ấn Độ căng thẳng trong làn sóng COVID-19 thứ hai. (Ảnh minh họa: Reuters)

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong khu vực, nhất là ở các nước có chung đường biên giới với Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 541/CĐ-TTg ngày 23/4/2021 về tăng cường thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 với phương châm “phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình”. Ngày 25/4, Bộ Y tế phát đi thông tin về tình hình dịch bệnh và đưa ra cảnh báo về nguy cơ xuất hiện đợt dịch thứ tư tại Việt Nam. Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương chuẩn bị sẵn kịch bản khi có dịch, thậm chí cả tình huống xấu để sẵn sàng ứng phó. Bộ trưởng  Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trước nguy cơ lây nhiễm từ ngoài vào Việt Nam cộng thêm việc một bộ phận người dân lơ là, mất cảnh giác với công tác phòng, chống dịch, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên tục có những chỉ đạo với công tác phòng, chống dịch Covid-19, liên tục có cảnh báo với người dân, đồng thời triển khai quyết liệt các biện pháp ngăn chặn lây nhiễm từ nước ngoài, trong đó, nguy cơ dịch xâm nhập từ nước láng giềng Campuchia tại khu vực Tây Nam bộ là rất lớn. Bộ Y tế đang khảo sát và triển khai thành lập bệnh viện dã chiến tại thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. 

Trong khi đó, các nước vùng Đông Nam Á như Campuchia, Lào, Thái Lan,  Indonesia và Malaysia cũng đang đối mặt với tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp và “nóng” chưa từng thấy. Những ngày gần đây, Campuchia ghi nhận hàng trăm ca nhiễm mới-mức cao chưa từng có tính theo ngày tại nước này. Hiện  tổng số ca mắc Covid-19 tại Campuchia đã là 8.848 người, 61 người tử vong. Đến nay, Lào có tổng cộng 159 ca nhiễm Covid-19 và không có ca nào tử vong, nhưng mức độ lây nhiễm trong cộng đồng đã ngày một gia tăng. Lào đã phải phong tỏa  Thủ đô Vientiane và  6 tỉnh khác .Thái Lan cũng “lập kỷ lục” với 2.070 ca mắc mới, nâng số ca nhiễm của xứ Chùa Vàng lên 50.183 người và 121 ca tử vong. Đại dịch ở Indonesia đã khiến 44.346 người tử vong, cao thứ 3 toàn châu lục sau Ấn Độ và Iran, còn ở Malaysia cũng đã ghi nhận khoảng 387.500 ca bệnh, trong đó có 1.415 ca tử vong.

Một lý do mà các chuyên gia y tế lo lắng là nếu các biến chủng kép Sars-CoV-2 tại Ấn Độ hoặc biến chủng của Anh tại Campuchia xâm nhập vào Việt Nam, mà không được phát hiện và ngăn chặn kịp thời, sẽ khiến việc lây nhiễm trong cộng đồng gia tăng nhanh chóng, bởi  “Đây là những biến chủng được cho là mang ít nhất hai đột biến có khả năng lây nhiễm nhanh hơn, tử vong nhiều hơn so với các biến chủng trước. Do đó khi lây nhiễm cộng đồng, từ ổ dịch nhỏ thành ổ dịch lớn rất nhanh chóng, tàn khốc hơn”-Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định. “...Chúng tôi đề nghị tất cả các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ca mắc Covid-19. Chúng ta càng phát hiện sớm bao nhiêu thì càng kiểm soát dịch nhanh chóng bấy nhiêu…”. Đó là thông điệp của Bộ Y tế trước “cơn bão Covid-19” đang đe dọa cả khu vực Nam Á và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. 

Hữu Văn 
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ