A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thủ đô trong trái tim ta

“Tôi hát bài ca ngợi ca Hà Nội
Ôi Thủ đô tha thiết trong trái tim tôi
Hàng cây xanh bao mùa lá đỏ
Con sông Hồng chảy dài nhung nhớ
Mùa Thu đi qua từng phố nhỏ
ôi Hồ Gươm, như một bài thơ
Hà Nội ơi có tự bao giờ
Mấy nghìn năm chói chang rực rỡ
Hà Nội ơi náo nức bài ca
Vẫn âm vang, trong tâm hồn ta…”

Ừm nhỉ, đã 1010 tuổi nhưng ngay cả trước, trong và sau khi Hà Nội được Lý Công Uẩn chọn làm kinh đô, Hà Nội vẫn thật đẹp trong mỗi trái tim người con đất Việt.

Hà Nội mùa Thu. (Ảnh: Internet.)

Là Thủ đô của cả nước, cũng sôi động, tấp nập người, xe thế nhưng Hà Nội luôn khác với Sài Gòn, với những thành phố khác trên mọi miền Tổ quốc. Ở nơi đây có con sông Hồng quanh năm nhuộm đỏ phù sa uốn lượn chảy qua, có những con phố ken dày rêu phong và cổ kính-từng chứng kiến không biết bao nhiêu bom rơi, lửa đạn của kẻ thù, đôi khi còn lại một phần kiến trúc ban đầu, thế nhưng đủ làm nên dấu tích của lịch sử, làm nên sự nổi bật của mảnh đất Kinh kì với muôn nơi.

Lịch sử còn ghi, thời Hùng Vương, Kinh đô đặt ở Văn Lang, vùng đất Thăng Long-Hà Nội lúc đó là một làng quê. Khoảng thế kỷ thứ III trước Công nguyên, Thục Phán thay thế vua Hùng dựng nước Âu Lạc, dời đô xuống miền Cổ Loa. Kinh đô Cổ Loa đi vào lịch sử với tư cách là kinh thành, thị thành, quân thành, trung tâm đầu não chính trị, kinh tế của nước Âu Lạc. Năm 179 trước Công nguyên, nước Âu Lạc bị Triệu Đà thôn tính, kể từ đó, Âu Lạc rơi vào ách thống trị của các triều đại phong kiến phương Bắc kéo dài ngàn năm… Qua thăng trầm lịch sử, năm 1010, Lý Công Uẩn lại chọn đây là Kinh đô bởi vì nơi đây có thế “rồng cuộn, hổ ngồi”. Trải qua bao phen đô hộ của giặc ngoại xâm, Hà Nội hôm nay còn đó, là Thủ đô lâu đời nhất trên thế giới và chứa đựng những nét tinh hoa đặc biệt khiến chỉ cần chạm nhẹ bước chân là trái tim của mỗi người dân Việt Nam nói riêng và bạn bè quốc tế cũng không thể nào quên.

Ở đó có câu chuyện tình buồn của Mị Châu-Trọng Thủy, theo truyền thuyết, chỉ vì trái tim lầm lỡ lạc lên đầu nên Mỵ Châu đã vô ý trao nỏ thần vào tay giặc (cũng là người chồng của mình), làm cho đất nước nguy khốn. Mặc dù câu chuyện không có hậu nhưng nó là truyền thuyết khiến bao đời sau, người dân đất Việt vẫn nhớ và cảnh tỉnh.

Chia tay với câu chuyện tình buồn gắn liền với Thành Cổ Loa, tới Trung tâm của Thăng Long-Hà Nội, đó là hồ Hoàn Kiếm-được bao quanh các con phố: Hàng Khay, Lê Thái Tổ và Đinh Tiên Hoàng. Điều đáng nói ở hồ Hoàn Kiếm là quanh năm nước màu xanh nên trước đây còn có tên gọi là hồ Lục Thủy, sau này đổi tên thành Hoàn Kiếm (trả gươm), bởi gắn với sự tích vua Lê Thái Tổ trả gươm báu cho rùa vàng. Qua thời gian, nơi đây hiện là điểm hội tụ lý tưởng của 4 mùa cũng như các Lễ hội truyền thống của dân tộc vào các ngày mùa Xuân, các ngày kỷ niệm trọng đại của dân tộc… Chỉ cần dừng chân tại đây trong mùa, ta có thể chiêm ngưỡng những gánh hoa với đủ sắc màu hòa trong gió và se se lạnh; tận hưởng những cơn gió mang theo hơi nước từ hồ lăn tăn gợn sóng để xua đi nóng bức mùa hè; rồi chiêm ngưỡng những chiếc lá vàng trượt dài trong gió từ cành cây ven hồ, báo hiệu mùa Thu đến; chứng kiến cơn mưa phùn lất phất của mùa Đông mà nếu nhìn từ xa xăm bên hồ, sang phía bên kia ta chỉ thấy một màu trăng trắng bàng bạc của mưa phùn nhưng rất riêng của Hà Nội…

Ngay ở đó thôi là quần thể nối liền giữa Đền Ngọc Sơn-cầu Thê Húc-tháp Bút-đài Nghiên. Đã từng có câu ca dao rất hay thế này: 

"Rủ nhau xem cảnh Kiếm hồ
Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn
Đài Nghiên, tháp Bút chưa mòn
Hỏi ai gây dựng nên non nước này”. 

Quần thể đó cho tới hôm nay vẫn là biểu tượng đẹp về văn hóa, tâm linh. Điều đáng nói, cầu Thê Húc được sơn màu đỏ thẫm, nằm trên mặt nước xanh mát dẫn đến cổng đền Ngọc Sơn, còn gọi là Đắc Nguyệt lâu (lầu được trăng) nằm ẩn núp dưới bóng cây đa cổ thụ tạo nên một nét chấm phá có một không hai. Ngoài ra, trên núi Ngọc Bội, có một tháp đá hướng vút lên trời, trên đó viết lên ba đại tự Tả Thanh Thiên (viết lên trời xanh), gọi là Tháp Bút; qua Tháp Bút, đến một khu cổng, cổng chính, phía trên đặt một Đài Nghiên bằng đá hình nửa quả đào bổ đôi theo chiều dọc, được ba con ếch đội lên… 

Chỉ là con phố thâm nghiêm rợp bóng cây, ánh đèn qua ô cửa sổ, hay tiếng ve ru những trưa hè, đôi khi là dấu tích lịch sử đi cùng năm tháng… tất cả đều tạo nên một Thủ đô với những nét chấm phá rất riêng, thật đáng nhớ để rồi bất cứ ai “Dù có đi bốn phương trời vẫn nhớ về Hà Nội”.

Hiền Mĩ


Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ