A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thủ đô Hà Nội-nơi văn hoá hội tụ

 

QPTĐ-Nhắc tới Hà Nội, mọi người thường nghĩ ngay đến trung tâm văn hóa lớn của Việt Nam, bởi nơi đây không chỉ tập trung văn hóa vật thể và phi vật thể, nhiều công trình của mọi lĩnh vực cuộc sống mà còn tập trung nhiều danh lam thắng cảnh. Đặc biệt, nơi đây còn chứa đựng văn hóa rất riêng của người Tràng An; những tác phẩm hội họa, văn học, nghệ thuật với nhân vật trung tâm là Hà Nội.

Biểu diễn nghệ thuật múa rồng tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm.

Là mảnh đất lành nên 1010 năm văn hiến, từ thuở kinh thành Thăng Long cho đến ngày nay, Hà Nội “ôm” trong mình biết bao “đặc sản” về văn hóa. Hãy thử điểm lại lịch sử, rất nhiều di tích của Thủ đô như: Thành Cổ Loa, hồ Hoàn Kiếm, cầu Thê Húc, hồ Tây… đều gắn liền với những truyền thuyết riêng và độc đáo. Thật hiếm có Thủ đô nào lại “ôm trong lòng” hồ nước rộng, quanh năm có màu xanh ngắt, cũng vì đặc điểm đó nên người ta gọi là hồ Lục Thủy. Điều đặc biệt, vắt qua dòng nước xanh ngắt giữa lòng Thủ đô để đến với nơi tâm linh-Đền Ngọc Sơn là cây cầu đỏ thắm. Chính màu sắc đặc biệt nên khi cầu soi bóng xuống mặt hồ tạo nên vẻ đẹp thật nên thơ.

Cũng chẳng nơi đâu, ở chính nơi “trái tim” của Tổ quốc lại hội tụ 36 phố phường ken dày bên nhau. Ngay từ thời xa xưa, nơi đây đã là điểm buôn bán giao thương sầm uất, tập trung nhiều hoạt động tiểu-thủ công nghiệp. Điều đáng nói các khu phố ở đây chủ yếu đều bắt đầu với chữ “Hàng”, bán những đồ đặc trưng riêng nhưng mang đậm nét truyền thống. Với đặc điểm như vậy, 36 phố phường đã đi vào thơ ca, những câu vè nổi tiếng khắp nhân gian:

“Rủ nhau chơi khắp Long Thành,
Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai;
Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai,
Hàng Buồm, Hàng Thiếc, Hàng Hài, Hàng Khay,
Mã Vĩ, Hàng Điếu, Hàng Giầy…”

Chính vì sở hữu những nét rất riêng, rất Hà Nội mà Hà Nội là “nhân vật chính”, là nét yêu của rất nhiều thi nhân, mặc khách và những tác giả ở các loại hình văn học, nghệ thuật. Điển hình như tác giả Băng Sơn-có lẽ theo cá nhân tôi thì là người thụ cảm về Hà Nội không chỉ qua ẩm thực, các chi tiết, mà còn qua từng hơi thở và nhịp đập của con tim. Với ông, Hà Nội thật hào hoa và quyến rũ. Mỗi góc phố, mỗi con đường, gốc cây, mỗi tính cách, mỗi tà áo dài qua phố đều nhắc nhở về sự hào hoa, thanh lịch, về vẻ đẹp nghìn năm tiềm ẩn trong muôn mặt cuộc đời.

Chẳng phải tự nhiên mà người dân các vùng, miền trên cả nước lại truyền tai nhau câu thơ thế này:

“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”

Cố PGS Nguyễn Kim Thản khi nói về lĩnh vực này cũng từng nhận xét:  “Người Hà Nội có tài bếp núc. Về cách ăn, người Hà Nội cũng từ tốn, ý nhị. Lịch sự đối với người khác, người Hà Nội lại nhũn nhặn, thậm chí nhún nhường khi nói về mình”. Còn Tiến sĩ Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội trong bài viết đăng trên Báo Hànộimới cũng đánh giá thế này: “Người Hà Nội khi làm, khi ăn, khi vui chơi, khi giao tiếp… dường như bất kể lúc nào, với ai, ở đâu cũng không ồn ào, ầm ĩ, vội vàng, vồ vập… Dù có vui, có buồn, có mong mỏi, sốt ruột đến mấy cũng cứ nhẹ nhàng, từ tốn, khoan thai”. Tất nhiên ở đâu đó trong thời gian qua vẫn có những chuyện “chưa vừa ý, chẳng đẹp lòng” trong nếp ăn, nếp ở của một bộ phận nhỏ nào đó song nét thanh lịch của người Hà Nội thì vẫn mang giá trị trường tồn đi cùng Thủ đô trong suốt chiều dài lịch sử.

Hà Nội ồn ào náo nhiệt đấy nhưng cũng chính Hà Nội lại có những khoảng lặng đến “thanh thản”, nơi đây có những làng hoa đã đi vào lịch sử như: Làng hoa Ngọc Hà, làng đào Nhật Tân… Chỉ cần bắt gặp gánh hàng hoa xuống chợ, hoặc trên đường rực nở, ta chợt thấy Hà Nội thật sắc màu và thi vị; bao nhiêu muộn phiền, bao nhiêu khó khăn của cuộc sống bỗng chốc tiêu tan để thay vào đó là những cảm thụ về sự tinh tế của đất trời ban tặng cho nhân gian này. Rồi cũng chính Hà Nội, trong những đêm hè, khi ve ve đã ngủ lại có “Tiếng chổi tre/đêm hè/quét rác…” Hay trong đêm Đông, khi cơn dông vừa tắt, ở trên con đường lạnh ngắt lại có chị lao công “Như sắt/Như đồng/Chị lao công/Đêm Đông/Quét rác…” (tác giả Tố Hữu); rồi những tiếng rao văng vẳng trong đêm vắng: Ai bánh mì đây, ai bánh bao đây…

Tất cả những điều rất nhỏ, đôi khi là cầm nắm được, đôi khi tan trong gió, trong không gian của Hà Nội nhưng đủ tạo nên những nét rất riêng của Thủ đô yêu dấu-Trái tim của cả nước, để bất cứ ai dù đi xa khi nghĩ về nguồn cội, đều muốn được trở về bên Thủ đô thân yêu.

Trần Hiền
 


Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 6 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ