A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xuất khẩu khí đốt Nga đạt kỷ lục

 

QPTĐ-Tại Phiên họp toàn thể Diễn đàn Kinh tế quốc tế St.Petersburg (SPIEF-2021), Tổng thống Nga V.Putin thông báo, dự án Nord Stream-2 (Dòng chảy phương Bắc-2) đã thành công giai đoạn đầu tiên. “Tôi vui mừng thông báo rằng, hôm nay (4/6), cách đây hai tiếng rưỡi đồng hồ, việc đặt ống nhánh đầu tiên của đường ống dẫn khí đốt Nord Stream-2 đang được tiến hành”. 

Dự án dòng chảy phương Bắc 2 của Nga sắp hoàn thành. (Ảnh: Internet)

Theo Tổng thống V.Putin, nhánh thứ 2 của Nord Stream-2 sẽ hoàn thành trong vòng 2 tháng nữa và sau khoảng 10 ngày sẽ bắt đầu cung cấp khí đốt qua nhánh thứ nhất. “Đường ống đã được đặt từ phía Đức và từ phía Nga. Họ cần phải nâng chúng lên và hàn lại với nhau, thế thôi. Việc đặt như vậy, bước 1 đã hoàn thành”-Ông V.Putin nói. Dòng chảy phương Bắc-2 là dự án liên doanh quốc tế do Nga và Đức khởi xướng, trị giá 11 tỉ euro, xây dựng tuyến đường ống xuyên biển Baltic đi qua lãnh hải một số nước, chuyển khí đốt từ Nga sang Đức, công suất 55 tỉ m3/năm. Dự án hoàn thành, châu Âu sẽ chủ động về nguồn cung năng lượng, được hưởng giá khí đốt rẻ do tiết kiệm chi phí vận chuyển, không phải chi phí tiền quá cảnh hay những rủi ro chính trị (ví như đường ống Ukraine). Các nhà lãnh đạo đương thời Nga và Đức khẳng định, dự án này hoàn toàn mang mục đích kinh tế thuần túy chứ không hề có động cơ chính trị như một số cáo buộc. Tuy nhiên, Ba Lan, Ukraine và một số nước châu Âu ra sức công kích, cản trở. Mỹ cũng áp lệnh trừng phạt các thực thể tham gia, hợp tác, cung ứng dịch vụ dự án, khiến việc thi công bị chậm lại từ những tháng đầu năm 2021. 

Phó Thủ tướng Nga  A.Novak (3/6) cho biết, Nga đang thúc đẩy hoàn thiện 100 km cuối cùng của dự án này, dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay. “Kế hoạch hoàn thành hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có điều kiện thời tiết và kỹ thuật”-Ông A.Novak nói. 

Tuy nhiên, Tổng thống Nga V.Putin và Thủ tướng Đức A.Markel đặt mục tiêu chính trị cho dự án phải hoàn thành vào tháng 9 năm nay. Bởi lẽ, Thủ tướng A.Markel sẽ từ nhiệm sau cuộc bầu cử Quốc hội Đức diễn ra cuối tháng 9 sau 4 nhiệm kỳ lãnh đạo nước Đức-một trong những đầu tàu kinh tế châu Âu (EU). Hơn nữa, các công việc còn lại sẽ dễ dàng hơn sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ J.Biden, không áp lệnh trừng phạt đối với các đồng minh châu Âu tham gia dự án. 

Theo ông J.Biden, việc xây dựng đường ống Nord Stream-2 sắp hoàn thành và “việc áp đặt biện pháp trừng phạt đối với dự án sẽ phản tác dụng trong quan hệ Mỹ với châu Âu”. Tuy nhiên (21/5), Mỹ đưa thêm vào danh sách đen 13 con tàu của Nga liên quan đến việc xây dựng đường ống khí đốt Nga-Đức. Quyết định được cho là bất ngờ của Tổng thống Mỹ gây phản ứng trái chiều. Thượng nghị sĩ Mỹ T.Cruz cho rằng, đó là “món quà” ông J.Biden dành cho ông V.Putin. “Tổng thống Nga nên cảm ơn vì điều đó”. Liệu có phải là điều kiện tiên quyết đối với Nga cho cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ ở Geneva vào giữa tháng 6 này không?-Ông T.Cruz viết trên Twitter. 

Thủ tướng Áo S.Kurz (3/6) phát biểu với báo giới: “Tôi rất vui mừng khi Mỹ không còn đe dọa các công ty tham gia dự án Nord Stream-2. Giống như Đức, chúng tôi tiếp tục ủng hộ dự án vì nó nằm trong lợi ích kinh tế của chúng tôi”. Dự án này đã góp phần đa dạng hóa các tuyến đường cung cấp năng lượng của châu Âu và góp phần “bảo đảm an ninh năng lượng châu Âu”. 
Thống đốc vùng Lêningad, Nga A.Drozdenko (2/6) cho biết: Phần đường ống của dự án tại Lêningad sẽ bắt đầu thử nghiệm vào tuần tới để chuẩn bị cho quá trình vận chuyển khí đốt sang Đức, vùng Mecklenburg-Vorpommem. “Chúng tôi và đối tác Đức-một trong số ít những người đã kiên định bảo vệ lợi ích của cả nước Đức và chúng tôi, đã gặp nhau trong suốt thời gian qua”-Ông A.Drozdenko nói. Đại sứ Nga tại Hungaria lạc quan nói: “Nord Stream-2 sẽ giúp đạt được các mục tiêu trung lập về khí hậu của châu Âu bằng cách thay thế các nguồn năng lượng có hại cho môi trường hơn”. 

Vậy là, cùng với Dòng chảy phương Bắc-1, Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ, đường ống dẫn khí đốt Ukraine, xuất khẩu dầu khí sang Trung Quốc; Dòng chảy phương Bắc-2 đi vào vận hành, Nga sẽ cấp cho châu Âu hơn 100 tỉ m3 khí đốt/năm. Hẳn, mối quan hệ kinh tế sẽ khiến Lục địa già gắn kết về quyền lợi chung với một châu Âu không thể thiếu nước Nga? 
Tháng 5 vừa qua, Nga cho phép đơn vị thành viên Tập đoàn Rosrec liên doanh, thi công Dự án Bắc-Nam (Pakistan Stream) trị giá 2-2,5 tỉ USD, xây lắp tuyến đường ống dài 1.100 km, cấp 12,4 tỉ m3 khí/năm từ Nga sang Pakistan. Dự án mở ra cơ hội cung cấp khí hydrocacbon cho cả Pakistan và Ấn Độ, bởi với khoảng 41 tỉ m3 khí sản xuất trong nước mỗi năm, Pakistan chỉ đáp ứng được cho 1/3 tổng sản lượng điện phát ra từ khí đốt. 

Đối phó với các lệnh trừng phạt của Mỹ, các tập đoàn Nhà nước Nga phải rút vào hậu trường, “nhường sân” cho doanh nghiệp tư nhân, cổ phần Nga tham gia dự án giảm từ 86% xuống còn 26%, tức là Nga chỉ chịu trách nhiệm chính về thiết kế, kỹ thuật dự án. 

Hướng thứ 2 mà Pakistan nhắm tới là đường ống dẫn khí “nhiên liệu xanh” TAPI, bắt nguồn từ cánh đồng Galkynysh (Turkmenistan) đi qua Afghanistan, Pakistan, Ấn Độ, công suất 33 tỉ m3 khí/năm. Như vậy, LNG Nga sẽ có chỗ đứng trên thị trường Trung Á, Pakistan, Ấn Độ, Bangladesh; cạnh tranh với khí gas của Oman, Qatar đang thống lĩnh Trung Đông. Mặc dù, quan hệ Nga-Mỹ căng thẳng nhưng Mỹ vẫn nhập khẩu dầu thô Nga ở mức cao kỷ lục để cứu các cơ sở hóa dầu Mỹ, bù đắp lại nguồn cung thiếu hụt từ Iran, Venezuela với 139 triệu thùng/ngày. Tháng 5, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI), dầu Brent (London) vượt mốc 70 USD/thùng. OPEC dự báo, nền kinh tế thế giới phục hồi, giá dầu sẽ đạt 80 USD/thùng trong tháng tới. Với 1/3 thu nhập ngân sách từ dầu khí, kinh tế Nga sẽ lấy lại tăng trưởng trong năm nay.


NHẬT MINH


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ