A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thế giới quan ngại chương trình phát triển tên lửa, hạt nhân?

 

QPTĐ-Ngày 22/1/2021, Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân của Liên hợp quốc (TPNW) chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, thế giới vẫn không an toàn bởi các tham vọng về phát triển tên lửa, vũ khí hạt nhân của các nước, nhất là các cường quốc đang sở hữu số lượng lớn vũ khí hạt nhân. 

Tên lửa đạn đạo DF-41 của Trung Quốc. (Ảnh: Internet)

Theo đó, Hiệp ước tự động có hiệu lực sau 90 ngày khi nhận được sự phê chuẩn của ít nhất 50 quốc gia. Nhưng đến 24/10/2020 đã có 84 nước phê chuẩn TPNW.

Chương trình phát triển vũ khí hạt nhân sớm thành công đầu tiên ở Mỹ (11/1939) và lần đầu tiên, 2 quả bom hạt nhân của Mỹ ném xuống Nhật Bản (8/1945) giết hại tại chỗ gần nửa triệu người. Nga (thừa kế Liên Xô) là quốc gia thứ 2 tuyên bố sở hữu vũ khí hạt nhân vào năm 1949. Hiện, có 10 nước có trong tay loại vũ khí có thể hủy diệt loài người gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Ấn Độ, Pakistan, Israel, Triều Tiên, Iran. 

Hiệp ước TPNW có lịch sử thăng trầm kể từ quá trình vận động và những quan điểm trái chiều trong thời gian đệ trình Quốc hội các nước phê duyệt.
Ngày 7/7/2017, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), diễn ra Hội nghị mang tên “Hội nghị Liên hợp quốc về đàm phán công cụ pháp lý ràng buộc cấm vũ khí hạt nhân”. Đại sứ Costa Rica E.W.Gomez, Chủ tọa phiên họp kêu gọi: “Đối với các nhà lãnh đạo trên thế giới, tôi muốn nói: Nếu các ngài yêu mến hành tinh này, tôi cầu xin các ngài hãy ký vào Hiệp ước. Vũ khí hạt nhân là vũ khí vô nhân đạo và hôm nay là vũ khí bất hợp pháp”. 

Sau hơn 3 tuần đàm phán căng thẳng, Hội nghị đàm phán có 132 nước, 33 tổ chức quốc tế và xã hội dân sự tham gia. Hội nghị đã bỏ phiếu thông qua dự thảo Hiệp ước với 122 phiếu thuận, 1 phiếu chống (Hà Lan), 1 phiếu trắng (Singapore). Đây là lần đầu tiên, thế giới có điều ước quốc tế cấm toàn diện bao gồm phát triển, thử, chế tạo, sản xuất, chiếm hữu, tàng trữ, chuyển giao, kiểm soát, sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân.

Đáng nói, 5 nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, cũng là các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, tẩy chay Hội nghị với những biện minh khác nhau. Hà Lan, Australia không ủng hộ đàm phán. Nhật Bản là nước duy nhất trên thế giới, phải gánh chịu hậu quả thảm khốc của bom nguyên tử trong Thế chiến II, không ký Hiệp ước này. 

Sau 2 vụ tấn công hạt nhân ở Hiroshima và Nagasaki (Nhật Bản, năm 1945), vũ khí hạt nhân đã bị luật pháp quốc tế chính thức loại trừ như vũ khí sinh học (bị cấm năm 1972), vũ khí hóa học (bị cấm năm 1993) và Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT, năm 1963). Tuy nhiên, NPT được cho là, không nêu ra vấn đề cấm toàn diện về phát triển, sở hữu và sử dụng vũ khí hạt nhân. Từ năm 2010, một số nước đề xuất, khởi động đàm phán, thông qua Hiệp ước TPNW. 

Thật ra, năm 2016, Brazil và Nigeria đã đệ trình Ủy ban Giải trừ quân bị và an ninh quốc tế của Đại hội đồng Liên hợp quốc Dự thảo Nghị quyết L.1 mang tiêu đề “Thúc đẩy đàm phán đa phương về giải trừ vũ khí hạt nhân” và đã được thông qua ngày 23/12/2016. Năm 2017, Nghị quyết L.1 của Liên hợp quốc lại gặp trở ngại trong quá trình triển khai do các bất đồng từ 9 nước sở hữu vũ khí hạt nhân. 5 nước: Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Israel bỏ phiếu chống; 3 nước: Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan bỏ phiếu trắng; chỉ duy nhất Triều Tiên bỏ phiếu thuận. 

Mặc dù, Hiệp ước TPNW đã có hiệu lực bắt đầu từ hôm nay (21/1) nhưng các cường quốc hạt nhân có quan điểm khác nhau với những tuyên bố: “vô ích”, “vô lý”, “vô tác dụng”. 

Trong ngày 7/7/2017, ngay sau khi 122 nước bỏ phiếu thuận thông qua Hiệp ước TPNW, 3 cường quốc hạt nhân phương Tây: Mỹ, Anh, Pháp phát đi thông báo chung cho rằng, TPNW là không thực tế, vô lý, phản tác dụng, “coi thường thực tế môi trường an ninh quốc tế” mà đứng đầu là mối đe dọa từ Triều Tiên. Các nước NATO được Mỹ bảo trợ, cũng tẩy chay đàm phán hạt nhân. 

Trung Quốc bỏ phiếu trắng về Nghị quyết L.1 nhưng sau đó, Chủ tịch Tập Cận Bình lại tuyên bố: “Vũ khí hạt nhân phải hoàn toàn bị cấm và bị phá hủy để xây dựng một thế giới không có vũ khí hạt nhân”. Rồi Bắc Kinh cũng tẩy chay đàm phán cùng với Ấn Độ, Pakistan. Nga cho rằng, không nên lập một diễn đàn nào khác ngoài Hội nghị giải trừ quân bị (được thành lập năm 1979). Nhìn chung, các nước sở hữu vũ khí hạt nhân muốn duy trì lợi thế răn đe hạt nhân của mình, không tham gia đàm phán, không gia nhập thành viên TPNW, coi Hiệp ước này đang đào sâu sự chia rẽ giữa các nước có và không có vũ khí hạt nhân. 

Trên thực tế, Mỹ và Nga đang sở hữu hơn 7.000 đơn vị vũ khí hạt nhân với khoảng hơn 1.700 vũ khí chiến lược đang hoạt động. Trung Quốc có khoảng 200-300 vũ khí hạt nhân. Anh, Pháp sở hữu 300-500. Iran, Triều Tiên được cho là có 50-100 đơn vị. Ngoài ra, nhiều nước cũng đang phát triển vũ khí hóa học, sinh học. 

Trong 2 năm qua, Mỹ đã đơn phương hủy Hiệp ước Các tên lửa tầm trung (INF) Nga-Mỹ, Hiệp ước Bầu trời mở (OST) giữa 35 nước và nguy cơ Hiệp ước START-3 về kiểm soát vũ khí tấn công chiến lược Nga-Mỹ hết hiệu lực vào tháng 2/2021 không được gia hạn. Thế giới đang bị đặt cược trước nguy cơ mất an ninh, thiếu an toàn khi không có cơ chế kiểm soát, hạn chế phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Mỹ và phương Tây bất đồng sâu sắc trước chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Sau các cuộc đàm phán cấp cao Mỹ-Triều về phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên thất bại, Bình Nhưỡng tuyên bố, đẩy nhanh chương trình phát triển tên lửa, hạt nhân vì lợi ích quốc gia, khiến căng thẳng Mỹ-Triều gia tăng. 

Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran, tái cấm vận và đưa Tehran vào danh sách “tài trợ khủng bố quốc tế”, khiến Nhà nước Hồi giáo Iran (1/2021) tuyên bố, sẽ làm giàu uranium lên 20%. Cả Mỹ và Iran đều tuyên bố, sẵn sàng đáp trả nhau bằng biện pháp vũ lực. 

Thế giới đang đứng bên bờ vực bất đồng, xung đột và tuyên bố chiến tranh, răn đe sử dụng vũ khí hạt nhân giữa các cường quốc. 

HÀ NGỌC


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ