A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sức nóng cạnh tranh địa chính trị Trung Đông

 

QPTĐ-Tổng thống Mỹ J.Biden có chuyến công du 4 ngày (từ 13-16/7), thăm Trung Đông, điểm dừng chân là Israel và Arab Saudi. Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông J.Biden trên cương vị Tổng thống, mang ý nghĩa chiến lược của Mỹ trên bàn cờ Trung Đông, vùng Vịnh.

 Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp UAE Sheikh Mohammed bin Zayed Al-Nahyan. (Ảnh: Internet)

Tại Israel, Tổng thống J.Biden tổ chức cuộc họp cấp cao trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa lãnh đạo 4  quốc gia mang tên “I2U2”, bao gồm Mỹ, Israel, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Ấn Độ. Tại Arab Saudi, Tổng thống Mỹ tham dự Hội nghị thượng đỉnh các quốc gia vùng Vịnh, trong đó có Arab Saudi, Ai Cập, Jordani, Iraq. 

Vậy là, đến thăm 2 quốc gia nhưng Ông chủ Nhà Trắng đã gặp gỡ hầu hết những nhân tố chủ chốt ở Trung Đông. Mỹ kỳ vọng củng cố, thiết lập mối quan hệ đồng minh đa phương và song phương, trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng và năng lượng, giảm thiểu nguy cơ khủng hoảng năng lượng toàn cầu, thiếu nguồn cung dầu mỏ, giá dầu khí leo thang mạnh bởi cuộc xung đột Ukraine.

Hãng Reuters đưa tin: Tổng thống Nga V.Putin có chuyến thăm Arab Saudi và Trung Đông vào tuần cuối tháng 7 và nhận định: Thế kỷ qua, Trung Đông vẫn luôn là điểm nóng trong cuộc cạnh tranh chiến lược địa chính trị toàn cầu, do Nga và Mỹ dẫn dắt. 

Thăm Israel (13-14/7), Tổng thống J.Biden hội đàm với Thủ tướng Y.Lapid, gặp gỡ Tổng thống I.Herzog và nhà lãnh đạo phe đối lập B.Netanyahu-cựu Thủ tướng Israel. Trước khi bay sang Jeddah (Arab Saudi), Tổng thống J.Biden đến Bờ Tây gặp Tổng thống Palestine M.Abbas. 

Phát biểu tại sân bay Ben Gurion (Israel), Tổng thống J.Biden tuyên bố: Mỹ thảo luận với các chính trị gia Israel và khu vực, ủng hộ giải pháp “2 nhà nước” trong cuộc xung đột thế kỷ giữa Israel và Palestine. Mỹ cam kết mở lại Lãnh sự quán tại Đông Jerusalem (đóng cửa năm 2019) để phục vụ người dân Palestine.  

Trong “Tuyên bố chung Jerusalem” ký ngày 14/7, Mỹ “khẳng định sự ủng hộ lâu dài và nhất quán đối với giải pháp hai nhà nước và hướng tới thúc đẩy tạo điều kiện cho người dân Israel và Palestine được hưởng các biện pháp công bằng bảo đảm cho an ninh, tự do và thịnh vượng”. 

Mỹ không cho phép Iran sở hữu vũ khí hạt nhân, đồng nghĩa với việc phải sử dụng vũ lực, mặc dù đây chỉ là giải pháp cuối cùng-Ông J.Biden khẳng định và cho biết thêm: “Mỹ cam kết đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”. 

Thủ tướng Israel Y.Lapid cho biết, hai bên cam kết xây dựng một cấu trúc an ninh và kinh tế với các nước Trung Đông, tiếp theo các Hiệp định Abraham và các tiến triển đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh Negev, mong muốn mở rộng cơ chế hợp tác này. 

Tổng thống J.Biden thăm Bảo tàng Yad Vashem ở Jerusalem, nơi tưởng niệm các nạn nhân diệt chủng Do Thái trong Thế chiến II; thăm diễn tập hệ thống phòng thủ tên lửa bằng laze Tia Sắt (Iron Beam) của Israel được tích hợp với hệ thống Vòm Sắt (Iron Dome) hiện có. 

Tổng thống Mỹ J.Biden và Thủ tướng Israel Y.Lapid hội đàm trực tuyến với Thủ tướng Ấn Độ và Quốc vương UAE-“Hội nghị I2U2”, nhằm thiết lập, củng cố quan hệ đồng minh, được xem như “Bộ tứ Kim cương” ở Trung Đông do Mỹ lãnh đạo. 

Việc kết nối chiến lược mới tại Trung Đông giữa Israel và các nước Arab, thúc đẩy một thỏa thuận liên minh phòng không Israel-Arab sẽ tạo cho Israel trở thành cánh tay nối dài, giúp Mỹ duy trì ảnh hưởng của phương Tây tại Trung Đông, khiến Mỹ có thể rảnh tay thực thi chính sách tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. 

Nửa thế kỷ qua, Israel bị các nước Arab tẩy chay. Năm 2017, chỉ có UAE, Bahrain, Sudan bình thường hóa quan hệ với Israel.

Tại Arab Saudi (15/7), Thái tử M.bin Salman đón, hội đàm với Tổng thống J.Biden. Hai bên đã thảo luận về vấn đề hợp tác an ninh, năng lượng. Mỹ hối thúc Liên minh OPEC+ (do Arab Saudi và Nga dẫn dắt) tăng sản lượng khai thác, cung ứng dầu toàn cầu nhưng không có thỏa thuận nào về dầu mỏ được đưa ra-Ngoại trưởng Arab Saudi A.Al-Jubeir nói: “Arab Saudi cùng các nước OPEC+ sẽ đưa ra quyết định dựa trên thị trường, chứ không phải sự cuồng loạn hay chính trị”. Nhóm OPEC+ bao gồm Nga sẽ nhóm họp vào ngày 3/8 tới. 

Thái tử M.bin Salman từ chối đề xuất của Mỹ, đề nghị Arab Saudi nâng công suất lên 13 triệu thùng dầu/ngày. Hiện, Mỹ, Nga, Arab Saudi là các cường quốc hàng đầu về dầu mỏ, công suất tối đa mỗi nước chỉ đạt 10-11 triệu thùng/ngày. 

Là “anh cả” trong khối Arab, “ông vua vàng đen” Arab Saudi, đặc biệt là Thái tử M.bin Salman, đang bị Nhà Trắng kết tội vi phạm nhân quyền, chủ mưu sát hại nhà báo tự do Khashoggi năm 2018, đang phủ bóng đen lên mối quan hệ đồng minh. Trong khi đó, Arab Saudi có nhiều động thái gần Nga và Trung Quốc. 

Arab Saudi không chỉ bắt tay với Nga, dẫn dắt Tổ chức OPEC+ giải cứu giá dầu toàn cầu lao dốc thành công, vàng đen lên ngôi, giá cao hơn 100 USD/thùng, mang về nguồn thu khủng cho các nước thành viên. 

Sau Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ; Arab Saudi mua hệ thống phòng không hiện đại S-400 của Nga, bất chấp Mỹ tuyên bố trừng phạt.

Xung đột ở Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây, EU ban bố lệnh cấm nhập dầu mỏ của Nga trước cuối năm nay khiến châu Âu lâm vào khủng hoảng năng lượng bởi Lục địa già đang phụ thuộc vào nguồn cung 25% dầu mỏ, 40% khí đốt từ Nga. Dự báo, châu Âu giá lạnh, thâm hụt kinh tế, lạm phát tăng cao nếu Moskva dừng toàn bộ nguồn cung dầu, khí đốt. 

Năm 2015, Nga đưa Lực lượng Không quân vũ trụ sang Syria hỗ trợ Tổng thống B.al-Assad chống khủng bố thắng lợi. Nga có thêm đồng minh Iran cùng chống khủng bố quốc tế ở Trung Đông, khiến Mỹ, phương Tây đứng ngồi không yên.

Nga có tiếng nói trọng lượng với Iran trong thỏa thuận hạt nhân Iran ký với nhóm nước P5+1 năm 2015, trong đó có Mỹ nhưng năm 2018, Tổng thống Mỹ D.Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận, đồng thời đưa Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran (IRGC) vào danh sách “tổ chức khủng bố”. Gần đây, Mỹ đang bị thu hẹp ảnh hưởng ở Trung Đông, vùng Vịnh. 

HÀ NGỌC


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ