A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chiến lược năng lượng Á-Âu của Liên bang Nga

 

QPTĐ-Sau khi hoàn công xây dựng Dự án Nord Stream-2 (Dòng chảy phương Bắc-2) lắp đặt đường ống đi dưới đáy biển Baltic cấp khí đốt từ Nga sang Đức, Nga nhanh chóng thúc đẩy các khâu cuối cùng để khởi công Dự án đường ống dẫn khí đốt Pakistan Stream (Dòng chảy Pakistan) từ Nga sang Pakistan. 

Nga thúc đẩy khởi công Dự án đường ống dẫn khí đốt Pakistan Stream (Dòng chảy Pakistan) từ Nga sang Pakistan. (Ảnh: Internet)

 “Sau nhiều năm đàm phán, Nga và Pakistan cuối cùng đã ký một thỏa thuận và kể từ đó có những tiến bộ đáng kể. Chúng tôi đã tổ chức nhiều vòng tham vấn kỹ thuật bao gồm cả vấn đề tài chính. Ngay sau khi các chi tiết cuối cùng được thống nhất, chúng tôi bắt đầu xây dựng. Tôi nghĩ điều này sẽ có tác động đáng kể đến các khoản đầu tư ở Pakistan. Tôi không thể tiết lộ chi tiết nhưng chúng tôi rất lạc quan”-Đại sứ Pakistan tại Nga S.A.Khan (ngày 7/9 vừa qua) đã nói với báo chí. 

Theo hồ sơ thiết kế, dự án Pakistan Stream có đường ống dài 1.100 km, công suất cấp khí tự nhiên 12,4 tỉ m3/năm, doanh nghiệp Pakistan nắm giữ 74% cổ phần, doanh nghiệp Nga nắm giữ 26% còn lại. 

Để xúc tiến triển khai dự án, cuối tháng 5 vừa qua, Nga và Pakistan đã ký thỏa thuận cuối cùng về việc xây dựng tuyến đường ống nối từ cảng Krachi và cảng Gwadar (Nga) với các nhà máy điện, trung tâm công nghiệp khu vực phía Bắc Punjab (Pakistan). 

Trước đó (4/2021), trong chuyến thăm Pakistan, Ngoại trưởng Nga S.Lavrov hội đàm với người đồng cấp S.M.Kureishi, ra Tuyên bố báo chí, hai bên đã thảo luận về việc làm sâu sắc hơn các mối quan hệ song phương bao gồm năng lượng và thương mại. Moskva sẵn sàng cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho Pakistan, giúp quốc gia này giải quyết cơ bản tình trạng khan hiếm khí đốt trong tương lai gần. 

“Đường dẫn khí Pakistan Stream sẽ cung cấp LNG từ Karachi đến Lahore, tạo lợi ích chung từ Gazprom, Rosneft, Novatek (Nga) cho các đối tác Pakistan”-Ngoại trưởng S.Lavrov nói. 

Theo đó, năm 2020, giá trị nhập khẩu năng lượng của Pakistan ở mức 10 tỉ USD, chiếm 1/4 tổng kim ngạch nhập khẩu 40,86 tỉ USD của quốc gia này. Đây là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt Nga. Hiện, Pakistan đang mua LNG chủ yếu từ Qatar nhưng vẫn thiếu hụt khoảng 1 tỉ m3 khí đốt/tháng, con số này dự kiến sẽ tăng lên gấp 2 lần (năm 2025), hơn 3 lần vào năm 2030. 

Những năm trước, Pakistan nhận khí đốt chủ yếu từ Iran. Do các lệnh cấm vận của Mỹ, chính quyền Islamabad phải từ bỏ thỏa thuận đường ống dẫn khí chung với Teheran. Vô tình, Mỹ đã đẩy khách hàng đầy tiềm năng Pakistan vào tay Nga. Các doanh nghiệp dầu khí Mỹ đã cay đắng chấp nhận mất ưu thế cạnh tranh LNG với Nga ở Lục địa già, Trung Quốc, Ấn Độ và khu vực Ấn Độ Dương.

Được biết, Moskva không chỉ vươn lên chiếm lĩnh thị trường, cấp năng lượng cho quốc gia Nam Á 220 triệu dân này mà tham vọng của Điện Kremlin sẽ tiến nhanh hơn để tiếp cận thị trường Ấn Độ và khu vực chiến lược Ấn Độ Dương 2 tỉ người, bao gồm cả Srilanka, Banglades, Myanmar. 

Hiện, nền kinh tế Ấn Độ dự báo tăng trưởng tốc độ 8-10%/năm, mức độ tiêu thụ năng lượng sẽ tăng lên gấp đôi. Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, đạt tốc độ tăng trưởng cao 6-8%/năm, có nhu cầu tiêu thụ năng lượng lớn. 

Thỏa thuận cấp khí đốt giá trị 400 tỉ USD giữa Nga và Trung Quốc trong 30 năm tới, hẳn sẽ mở ra một kế hoạch mới về phát triển kinh tế vùng Viễn Đông, Siberia (Nga) và Tây Tạng (Trung Quốc), bao gồm cả dự án năng lượng. 

Tuy nhiên, Mỹ và Trung Quốc đang có ảnh hưởng lớn chi phối các đồng minh khu vực Nam Á-Thái Bình Dương, đây là bài toán khó đối với Nga tại địa bàn này. Giới chuyên gia cho rằng, Moskva đang có những lợi thế nhất định trước đối thủ. 

Đó là, Nga ưu tiên chính sách đối ngoại, chỉ xây dựng đối tác, không chú trọng liên kết đồng minh, là chủ trương nhất quán của Tổng thống Nga V.Putin, giúp cho Nga tối thiểu hóa sức ép trước đối thủ Mỹ, Trung Quốc, đồng thời bảo đảm an toàn cho các đối tác ở Nam Á-Ấn Độ Dương khi hợp tác với Moskva. Hiện, nguồn khí đốt và khí tự nhiên hóa lỏng của Nga đang dồi dào về nguồn cung, linh hoạt về giá cả, đáp ứng tốt nhất cho các nước có thu nhập thấp nhưng đang có tốc độ phát triển nhanh. Hơn nữa, khí đốt của Nga cấp cho các nước mang tính hàng hóa đơn thuần về kinh tế, là sản phẩm đặc thù, không có điều kiện kèm theo nên không tạo ra sức ép triệt tiêu với Mỹ, Trung Quốc. Vì vậy, lợi thế cạnh tranh của Nga rất cao. Đây là lợi thế tuyệt đối, biến thành ưu thế tuyệt đối trước đối thủ của Nga. Trong khi đó, Moskva có nguồn cung năng lượng dự trữ khổng lồ. 

Tháng 8 vừa qua, Chính phủ Nga trình Duma Quốc gia sửa đổi Luật Tài nguyên, có điều khoản quy định, tăng tiền phạt do chậm tiến độ thăm dò địa chất, nhằm thúc đẩy các công ty dầu mỏ triển khai quá trình này nhanh hơn. Hiện, luật quy định thời hạn 5 năm và 7 năm tại một số vùng lãnh thổ, thềm lục địa, sẽ bị phạt do chậm trễ theo cấp lũy tiến, tăng 2 lần sau năm đầu tiên, gấp 10 lần sau năm thứ 2 và gấp 100 lần sau năm thứ 3. 

Bộ Năng lượng Nga dự báo sản lượng khai thác dầu, từ 11 triệu thùng (năm 2021) tăng lên 12,2 triệu thùng vào năm 2023, tương đương 600 triệu tấn/năm, vượt kỷ lục 568 triệu tấn của năm 2019. Với tốc độ khai thác này, các mỏ của Nga đủ sức duy trì đến 69 năm tới chứ không phải 19 năm như Arab Saudi dự báo. Đó là chưa nói đến nguồn dầu khí không lò ở Bắc Cực, Viễn Đông đang được Moskva dành sự ưu tiên, đang được khai phá. 

Với giá dầu 70 USD/thùng như hiện nay, Nga thu lợi nhuận khổng lồ (100-120 tỉ USD/năm). Và sau nửa thế kỷ nữa, nguồn nhiên liệu chính toàn cầu có thể không phải là “vàng đen”?

Theo Tập đoàn Dầu khí Gazprom, Dòng chảy phương Bắc-2 sẽ hoạt động từ 1/10 tới, thì doanh thu xuất khẩu khí đốt của công ty đã tăng 1,8 lần so với cùng kỳ, đạt 23 tỉ USD, trong đó xuất khí đốt sang Tây Âu tăng 28,5% (77,2 tỉ m3), xuất sang Thổ Nhĩ Kỳ tăng gấp 3 lần (14,6 tỉ m3), lãi ròng nửa đầu năm 2021 đạt 9,7 tỉ USD, doanh thu tăng 46,3% (37 tỉ USD). Trong khi đó, giá khí đốt châu Âu tăng mạnh ở mức 245,12 USD/1.000 m3 (tháng 7) so với mức 226,5 USD (tháng 6), 199,7 USD (tháng 5), khi mùa Đông chưa đến. 

Mặc dù là thành viên chủ chốt cùng Arab Saudi điều tiết Tổ chức OPEC+ về giữ giá dầu mỏ thế giới nhưng Nga vẫn luôn duy trì ở top đầu các quốc gia khai thác, xuất khẩu dầu, khí đốt. 

HÀ NGỌC


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ