A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Căng thẳng ngoại giao Nga và NATO

 

QPTĐ-Những năm qua, mối quan hệ giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thường xuyên ở trạng thái “cơm không lành, canh không ngọt”. Nhưng gần đây, căng thẳng có xu hướng leo thang sau hàng loạt các động thái cáo buộc thiếu thiện cảm lẫn nhau, NATO trục xuất nhân viên ngoại giao Nga, đáp lại Moskva tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với khối quân sự này. Ngoại trưởng Nga S.Lavrov (18/10) tuyên bố, chấm dứt hoạt động ngoại giao của phái bộ nước này tại NATO-Brussels (Bỉ) và đình chỉ các hoạt động của phái bộ NATO tại Moskva từ ngày 1/11 tới. 

NATO tuyên bố trục xuất 8 nhà ngoại giao Nga. (Ảnh: Internet)

“Chúng tôi sẽ dừng hoạt động của phái bộ Nga, bao gồm cả hoạt động của tùy viên quân sự từ ngày 1/11 hoặc thêm vài ngày nữa”-Ông S.Lavrov nói. Điều này đồng nghĩa với việc NATO sẽ có động thái tương đương, phải đóng cửa văn phòng liên lạc của liên minh này tại Moskva. 

Động thái đoạn tuyệt trên của Moskva là nhằm đáp trả việc NATO đã trục xuất 8 thành viên phái bộ ngoại giao Nga tại trụ sở Brussels hồi đầu tháng (6/10) với cáo buộc, là “sĩ quan tình báo không khai báo”. Ngoài ra, cắt giảm thêm 2 vị trí của Nga, khiến quy mô phái bộ này tại Brussels giảm từ 20 người xuống còn 10 người. NATO yêu cầu các nhà ngoại giao Nga phải rời khỏi Brussels vào cuối tháng 10.

Tuy cắt đứt quan hệ với khối NATO nhưng Moskva vẫn duy trì mối quan hệ ngoại giao với chính phủ của các nước thành viên khối này. “Sau một số biện pháp nhất định mà NATO thực hiện, điều kiện cơ bản để làm việc chung đã không còn tồn tại nữa. NATO đã giảm đáng kể liên hệ với phái bộ của chúng tôi, liên minh này không quan tâm đến đối thoại và làm việc bình đẳng”-Ngoại trưởng Nga cho biết và lưu ý, trường hợp khấn cấp, NATO có thể liên lạc thông qua Đại sứ quán Nga tại Bỉ.

Trước tuyên bố của Ngoại trưởng S.Lavrov, ông O.Lungescu, Phát ngôn viên NATO cho biết, chưa nhận được “thông báo chính thức về vấn đề này của Nga”. “Chính sách của NATO với Nga luôn nhất quán. Chúng tôi đã tăng cường phòng thủ và răn đe để đối phó với các hành động của Nga, mặt khác, chúng tôi vẫn để ngỏ đối thoại”. Tuy nhiên, ông O.Lungescu không đưa ra giải pháp đối thoại của NATO là gì.

Ngoại trưởng Đức H.Maas bày tỏ, lấy làm tiếc về tuyên bố của Nga. Bởi đóng cửa phái bộ ngoại giao tại NATO, khiến quan hệ giữa hai bên khó khăn hơn.

Giới bình luận chính trị cho rằng, căng thẳng quan hệ giữa liên minh quân sự NATO và Nga chính là các hành động của NATO thúc đẩy triển khai lực lượng gần biên giới Nga, “đe dọa an ninh quốc gia của Nga”. Nhất là, hai bên đã tiến hành hàng loạt các cuộc tập trận quân sự lớn, gây bất ổn khu vực gần biên giới của nhau. 

Tính từ khi thành lập năm 1949 đến năm 1982, NATO chỉ kết nạp 4 thành viên mới. Liên Xô tan rã, từ năm 1990, NATO kết nạp thêm Ba Lan, Hungaria, Séc và một loạt các nước công hòa từ Liên Xô cũ, các nước Đông Âu. 

Dịp tháng 2/1990, dưới thời Tổng thống G.H.W.Bush, Ngoại trưởng Mỹ J.Baker cam kết với Liên Xô, “NATO không tiến về phía Đông dù chỉ 1 inch”. Năm 1997, NATO và Nga ký một thỏa thuận, trên lãnh thổ các thành viên mới của NATO không được phép bố trí lực lượng chiến đấu dài hạn. 

Tuy nhiên, các hành động của khối quân sự này ở thời gian tiếp theo lại không diễn ra như thế. Nếu như năm 2004, NATO có 26 thành viên thì năm 2009 là 28 và hiện nay là 29. Tất cả các đợt mở rộng NATO đều tiến về sườn phí Đông của khối, kéo theo đó là việc thiết lập các căn cứ quân sự mới và bố trí quân đội tại các nước Đông Âu, áp sát biên giới Nga. Hiện, Mỹ và phương Tây không giấu giếm ý đồ kết nạp Gruzia, Ukraine (hai nước Cộng hòa Xô Viết cũ) làm thành viên NATO. 

Sau sự kiện Crimea (3/2014), bùng phát xung đột ở miền Đông Ukraine, Mỹ và phương Tây áp lệnh cấm vận, trừng phạt Nga, quan hệ NATO và Nga rơi xuống đáy vực kể từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh, mọi thông tin, hợp tác gần như đóng băng. 

Năm 2016, hai bên khởi động lại hoạt động của Hội đồng Nga-NATO (thành lập năm 2002) theo cơ chế tham vấn, hợp tác, cùng đưa ra các quyết định và hành động chung. Tuy vậy, cơ chế này không hiệu quả bởi hai bên bất đồng quan điểm trong nhiều vấn đề, đặc biệt là khủng hoảng niềm tin trầm trọng. Và hai bên, tiếp tục gia tăng chính sách răn đe lẫn nhau.

Theo đó, NATO ráo riết mở rộng thành viên sang phía Đông, triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa NMD tại các nước Đông Âu, tăng cường hiện diện quân sự tại Ba Lan và các nước Baltic. NATO đưa ra mô hình “30-30-30…” xây dựng lực lượng phản ứng nhanh, mạnh với 30 tiểu đoàn lính đặc nhiệm, 30 lữ đoàn xe tăng, 30 hải đội tàu chiến, 30 phi đội máy bay chiến đấu…đang triển khai ở Ba Lan. 

Đáp lại, Nga triển khai vũ khí hạng nặng, tên lửa chiến thuật đến khu vực “lãnh thổ hải ngoại” Kaliningrad áp sát biên giới Ba Lan, Baltic; triển khai tên lửa đạn đạo hạt nhân chiến lược tầm xa vươn tới Mỹ, phủ khắp châu Âu…vv. 

Sau Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) và Ukraine diễn ra tuần qua, chính quyền Kiev được thổi bùng ảo tưởng gia nhập EU và NATO, mồi nhử mà Mỹ và phương Tây đang đặt trên bàn với Ukraine. Tuy vậy, những trở ngại nội tại trong lòng nước này và bộ máy chính phủ “cồng kềnh, tham nhũng, kém hiệu quả” là cản trở chính để Kiev hòa nhập với phương Tây. 

Trả lời báo chí, Phát ngôn viên Điện Kremlin D.Peskov tuyên bố: Việc Ukraine gia nhập NATO là “tình huống xấu nhất, đây là một kịch bản vượt ra ngoài ranh giới đỏ vì lợi ích quốc gia của Nga. Kịch bản này có thể buộc Nga phải thực hiện các biện pháp tích cực để bảo đảm an ninh của chính mình”. 

Dư luận phương Tây cảnh báo, Nga sẽ công nhận hai nước Cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk độc lập tách khỏi Ukraine, như đã từng công nhận Abkhazia, Nam Ossetia tách khỏi Gruzia năm 2008?

Trong tuyên bố của mình, Tổng thống Nga V.Putin cảnh báo phương Tây đang tìm cách đưa các nước Đông Âu tham gia liên minh quân sự. “Chúng tôi sẽ đáp trả tương xứng với những động thái hung hăng, gây nguy hiểm, đe dọa đối với Nga. Các đồng nghiệp của chúng tôi, những người đóng vai trò làm cho tình hình trầm trọng hơn, tìm cách đưa Ukraine hoặc Gruzia vào quỹ đạo quân sự của liên minh, nên suy nghĩ về những hậu quả mà chính sách vô trách nhiệm như vậy có thể gây ra”.

HÀ NGỌC


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ