A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mỹ và phương Tây bất đồng bởi yếu tố Nga

 

QPTĐ-Những tháng qua, quan hệ Mỹ, NATO-Nga hay Nga-châu Âu đang bị phá hủy bởi cuộc chiến tranh tâm lý từ “sự kiện Crimea-2014”, “Nga xâm lược châu Âu” lại được phương Tây thổi bùng lên ngọn lửa thù địch “Moskva đầu độc thủ lĩnh phe đối lập A.Navalny”.

Nghị viện châu Âu (EP) vừa thông qua Nghị quyết yêu cầu thực thi các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn với Nga bởi “thủ lĩnh phe đối lập A.Navalny bị đầu độc chất Novichok có nguồn gốc từ Nga”. EP kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra quốc tế về tình hình xung quanh bệnh nhân A.Navalny với sự tham gia của Liên minh châu Âu (EU), Liên hợp quốc, Hội đồng châu Âu và Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW). EP kêu gọi tất cả các nước EU từ bỏ việc hoàn thành đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương bắc-2” (Nord Stream-2); đồng thời, yêu cầu Ủy ban châu Âu (EC) sớm đưa ra biện pháp trừng phạt có mục tiêu đối với các hành vi vi phạm nhân quyền. 

Đức cáo buộc Mỹ cản trở đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 | Kinh  tế | Vietnam+ (VietnamPlus)

 Đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 tại Lubmin, Đức. (Ảnh: Internet)

A.Navalny là thủ lĩnh đối lập ở Nga, trong chuyến bay (ngày 20/8) từ Tomsk đến Moskva, được đưa vào bệnh viện Omsk và phải dùng máy thở nhân tạo. Ngày 22/8, bệnh nhân được đưa đến Berlin (Đức) điều trị. Chính phủ Đức (2/9) cho biết, các nhà nghiên cứu chất độc quân sự đã tìm thấy dấu vết của một chất thuộc nhóm Novichok trong cơ thể của A.Navalny; đồng thời, kêu gọi Chính phủ Nga phản hồi thông tin này. Hiện, sức khỏe của A.Navalny đã trở lại bình thường. Phương Tây loan tin, Tổng thống V.Putin đang âm mưu loại bỏ các đối thủ chính trị 

Các bác sĩ Nga khẳng định, trong thời gian nhập viện, không tìm thấy chất độc nào trong các mẫu xét nghiệm của bệnh nhân A.Navalny. Moskva cho rằng, đây là “một kịch bản chính trị”. Tổng thống Nga V.Putin đã điện đàm với người đồng cấp Pháp R.Macron và Thủ tướng Đức A.Markel. “Dòng chảy phương Bắc-2” là dự án hợp tác Nga-Đức, lắp đặt 2 tuyến đường ống dẫn khí có tổng công suất 55 tỉ m3/năm từ bờ biển Nga qua biển Baltic, đi qua các khu vực kinh tế, lãnh thổ hoặc vùng độc quyền của Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, đến Đức. Tổng kinh phí dự án là 9,5 tỉ euro. Hiện, dựa án đã hoàn thành 97% khối lượng, đang lắp đặt nốt những đoạn ống cuối cùng; dự kiến công trình được vào vận hành trong tháng tới. Khi đó, châu Âu sẽ tràn ngập khí đốt Nga, do Đức trung chuyển, phân phối. Tuy nhiên, dự án này đã bị Mỹ, Ukraine, Ba Lan và các nước Baltic phản đối gay gắt. Mỗi quốc gia có một lý do riêng nhưng tựu chung, họ đồng nhất quan điểm “bài Nga, thân Mỹ!” 

Mỹ không cam chịu ngồi nhìn Nga làm chủ thị trường khí đốt Lục địa già; khi đó “châu Âu sẽ bị lệ thuộc vào Nga”, trong khi Mỹ đang ve vãn châu Âu mua khí hóa lỏng (LNG).  EU và Ukraine lo ngại, sau khi Nga vận hành 2 tuyến đường ống “Dòng chảy phương Bắc-2” công suất 55 tỉ m3 khí/năm và “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” công suất 33 tỉ m3 khí/năm thì đường ống dầu khí của Nga đi qua Ukraine sang châu Âu sẽ trở thành phế tích. Kiev mất nguồn thu 3-4 tỉ USD/năm? 

Tháng qua, ba Nghị sĩ Mỹ gửi thư đến Công ty F.S.GmbH (nhà điều hành cảng Muran) nêu rõ, Chính phủ Mỹ đang chuẩn bị các biện pháp trừng phạt đối với các công ty liên quan hỗ trợ xây dựng đường ống “Dòng chảy phương Bắc-2”. Động thái này của Mỹ gây phản ứng dữ dội với Thủ hiến bang Mecklenburg, cảng Muran: “Điều này thật quái dị. Họ đang nhắm vào những người không hề vi phạm pháp luật. Chúng tôi chỉ hỗ trợ việc đặt đường ống một cách hợp pháp”. 

Thủ tướng Áo S.Kurz không đồng tình với Tổng thống Ukraine V.Zelensky về việc vận động trừng phạt dự án “Dòng chảy phương Bắc-2”. “Đây là một dự án kinh tế, rất hữu ích, bởi vì nó đảm bảo an ninh năng lượng cho Áo và toàn thể châu Âu”-Ông S.Kurz nói. Nhiều nhà lãnh đạo châu Âu cũng đồng tình với nhà lãnh đạo Áo và cho rằng, họ không có thẩm quyền áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với “Dòng chảy phương Bắc-2”. 

Một số chuyên gia châu Âu đưa ra nhận định, việc trừng phạt Nga như “con dao hai lưỡi”, đang ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Lục địa già. Họ dự báo, trong 3 năm qua, đòn trừng phạt khiến EU thiệt hại hơn 100 tỉ USD, Nga mất 50 tỉ USD, trong khi Moskva sớm cơ cấu lại nền kinh tế thích ứng hơn để phát triển.

Thủ tướng Đức A.Markel nhất quán với quan điểm, “Dòng chảy phương Bắc-2” là dự án kinh tế thuần túy, đáp ứng nhu cầu cao về năng lượng của châu Âu và lợi ích giá rẻ, ít nhất là 20%. Hiện, Đức đang phải mua khoảng 40 tỉ m3 khí đốt/năm. Đến năm 2022, nhà máy điện hạt nhân cuối cùng của Đức sẽ đóng cửa, càng cần đến khí đốt của Nga. 

Là Chủ tịch luân phiên EU, Đức không thể không ủng hộ châu Âu, bày tỏ thái độ cứng rắn với Nga nhưng quyết định dừng “Dòng chảy phương Bắc-2” là không thể. “Dự án này không đơn thuần là của Đức hay Nga, trong đó có 100 công ty tham gia. Tất cả đều nhận được sự cho phép, làm thủ tục thích hợp và bỏ tiền đầu tư. Hành động bằng một quyết định chính trị, chúng tôi sẽ phải đối mặt với hình phạt hơn 10 tỉ euro bồi thường cho các công ty”-W.Gerdt, thành viên Ủy ban Quốc hội Đức nhận định. Tuy nhiên, Đức cũng có những động tác mềm mỏng, không từ bỏ dự án khí đốt hợp tác với Nga nhưng cũng đang triển khai các bến bãi, kho tàng, mua một số lượng nhất định khí LNG của Mỹ.

Ngoại trưởng Nga S.Lavrov bình luận, nếu không có câu chuyện với A.Navalny, phương Tây sẽ nghĩ ra một chuyện khác. Trong mấy năm qua, Nga đã quan sát điều này, từ vụ đầu độc điệp viên hai mang S.Skripal đến vụ ám sát thủ lĩnh đối lập B.Nemtsov, Nga đều là kẻ có lỗi và phải chịu hành phạt. Nguyên nhân sâu xa là do cạnh tranh kinh tế không lành mạnh từ phía Mỹ trong lĩnh vực khí đốt và tựu chung lại là, họ muốn loại Nga ra khỏi thị trường khí đốt EU. 

Bình luận về quan hệ Nga-EU, Viện sĩ Nga A.Kuznetsov nhận định: “Nhìn chung, thế hệ chính trị gia châu Âu hiện nay đã hủy hoại cơ hội lịch sử xây dựng ngôi nhà chung châu Âu. Đây là một thực tế không phải bàn cãi”. 

NHẬT MINH
 


Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ