A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên

 

QPTĐ-Bà Kim Yo-jong, em gái Chủ tịch Kim Jong-un (ngày 29/3) có phát biểu, được coi là chỉ trích mạnh mẽ nhằm vào Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, khi cho rằng ông này (ngày 26/3) đã lên tiếng phản đối vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng “gây tổn hại” cho việc đối thoại Liên Triều, là hành động “không được hoan nghênh”. 

Triều Tiên thử tên lửa chiến thuật mới. Ảnh: Internet

 “Ông ấy cho rằng, việc Viện Quốc phòng Hàn Quốc phóng thử tên lửa đạn đạo là hướng đến hòa bình và đối thoại trên bán đảo Triều Tiên. Nhưng khi Viện Khoa học quân sự Triều Tiên phóng thử tên lửa, ông ấy lại cho rằng, đó là hành vi không ai mong muốn, gây lo ngại nghiêm trọng cho người dân Hàn Quốc và ảnh hưởng đến bầu không khí đối thoại”-Bà Kim nhấn mạnh: “Chúng tôi không thể tránh khỏi cảm giác bất ngờ trước thái độ không biết xấu hổ của ông ấy. Cách hành xử vô lý và trơ trẽn của Hàn Quốc cũng không khác gì phong cách của Mỹ, khi cáo buộc quyền tự vệ của Triều Tiên là vi phạm các nghị quyết của Liên hợp quốc”.

Được biết, tuyên bố của Tổng thống xứ Hàn Moon Jae-in  đưa ra ngày 26/3, chỉ vài giờ sau khi Triều Tiên xác nhận đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo tầm ngắn (25/3). Trong khi Tổng thống Moon lại khuyếch trương, mô tả vụ thử tên lửa đạn đạo của xứ Hàn diễn ra dịp tháng 7/2020 là “nỗ lực để xây dựng hòa bình và đối thoại”.

Ngày 27/3, Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã lên tiếng cáo buộc Tổng thống Mỹ J.Biden có hành động “khiêu khích” khi vào hùa với Hàn Quốc, chỉ trích vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Bình Nhưỡng đưa ra cảnh báo, Mỹ sẽ “gặp những điều xấu” nếu tiếp tục đưa ra những phát ngôn “thiếu suy nghĩ”. 

Hai tuần trước đó, bà Kim lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ Hàn Quốc tổ chức tập trận quân sự chung với Mỹ và dọa sẽ xé bỏ thỏa thuận quân sự nhằm giảm thiểu căng thẳng giữa hai nước láng giềng và giải tán cơ quan chuyên trách về các vấn đề Liên Triều.

Bà Kim Yo-jong không chỉ là trợ thủ đắc lực, “cánh tay phải” của Chủ tịch Kim mà còn đảm nhận vị trí quan trọng trong Đảng, Nhà nước Triều Tiên với chức vụ công khai: Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Trưởng ban Truyên truyền Đảng Lao động Triều Tiên. 

Những phát ngôn trong tuần qua của các nhà lãnh đạo Hàn Quốc, Triều Tiên và Mỹ cho thấy, những quan điểm khác biệt về thái độ ứng xử đối với chương trình tên lửa, hạt nhân  trong tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên-Một điểm nóng thế giới, căng thẳng và trở ngại nhất trong quan hệ Mỹ-Triều. 

Trong tuần cuối tháng 3 vừa qua, Triều Tiên đã 2 lần phóng thử tên lửa được Bình Nhưỡng cho là “rất thành công”. 

Vụ thứ nhất diễn ra vào ngày 21/3 bao gồm 2 tên lửa hành trình tầm ngắn phóng từ vùng biển phía Tây nước này, bay về hướng biển Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên Triều Tiên phóng thử tên lửa kể từ khi Tổng thống Mỹ J.Biden nhậm chức (ngày 20/1/2021). Giới chức Mỹ cho rằng, vụ phóng tên lửa không phải là “hành động khiêu khích”, không vi phạm các cam kết với Mỹ, Hàn Quốc; không đe dọa trực tiếp tới lục địa Mỹ.

Vụ thứ 2 (ngày 25/3) bao gồm các “vật thể bay dẫn đường chiến thuật” được phát triển từ công nghệ hiện có với cải tiến giúp nó có thể mang đầu đạn nặng tới 2,5 tấn. Hai tên lửa đạn đạo này “đánh trúng mục tiêu trên biển” cách địa điểm phóng khoảng 600 km, rơi xuống biển, không gây ra thương vong nào. 

Tuy nhiên, Mỹ không thể ngồi im khi 2 vụ thử kia đe dọa trực tiếp tới Hàn Quốc, Nhật Bản-đồng minh thân cận của Mỹ và ở mỗi nước đang có mấy chục ngàn binh sĩ Mỹ đồn trú. 

Thủ tướng Nhật Bản Y.Suga  triệu tập khẩn cấp cuộc họp Hội đồng An ninh quốc gia, gọi 2 vụ thử vũ khí liên tiếp của Bình Nhưỡng trong vòng một tuần là “mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh Nhật Bản”. 

Trước đó, năm 2017, Triều Tiên đã phóng 2 tên lửa đạn đạo bay qua Nhật Bản trước khi rơi xuống biển Thái Bình Dương. Năm 2020, Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-15 hướng về biển Nhật Bản, có khả năng bay xa 13.000 km. “Một tên lửa như vậy có đủ tầm phóng để vươn tới Washington DC hoặc bất kỳ  nơi nào trên lục địa Mỹ”-Chuyên gia vũ khí Wright nhận xét: “Tầm phóng của nó có thể thay đổi nếu tên lửa được gắn thêm đầu đạn hạt nhân”. 

Sau cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), quan hệ hai miền Nam-Bắc Triều Tiên và quan hệ Mỹ-Triều luôn căng thẳng. Dưới thời Tổng thống Mỹ D.Trump, Mỹ-Triều Tiên đã tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh về phi vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên nhưng chưa mấy thành công. Mối quan hệ Hàn-Triều được cải thiện một bước, tuy nhiên, khó bình thường hóa do những bất đồng về lợi ích và rất khó dung hòa bởi sự khác biệt quan điểm phát triển hay không, chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng? 

Tháng 10/2020, Triều Tiên công bố tên lửa Hwasong-15 trong Lễ duyệt binh tại Bình Nhưỡng, thiết bị vận tải 11 trục bánh xe mới chở nổi 1 quả tên lửa này. Trước đó, đã 6 lần, vào các năm 2006, 2009, 2013, 2017, Triều Tiên thử thành công bom hạt nhân (bom A), bom nhiệt hạch (bom H). Vụ thử hạt nhân năm 2017 có sức công phá 250 kiloton (trong khi quả bom nguyên tử thả xuống Hirosima, Nhật Bản (8/1945) chỉ 16 kiloton cũng đã giết hại hàng trăm ngàn người).

Năm ngoái, Chủ tịch Kim tuyên bố: Triều Tiên đã thành công với công nghệ gắn đầu đạn hạt nhân lên tên lửa tầm xa. “Sách trắng quốc phòng năm 2020” của Hàn Quốc đưa thông tin, Bình Nhưỡng có khoảng 60 đơn vị vũ khí hạt nhân, trong đó có 13 đơn vị tên lửa hạt nhân (tên lửa CIBM mới, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm). 

Hiện, Triều Tiên có 1,28 triệu tay súng (quân chính quy, dân binh), 4.300 xe tăng, 2.600 xe bọc thép, 8.800 khẩu pháo, 430 tàu chiến, 70 tàu ngầm, 810 máy bay chiến đấu. Thủ đô Seoul nằm trong tầm 50 km của hỏa lực pháo binh, rocket Triều Tiên khiến Hàn Quốc không thể xem nhẹ. 

HÀ NGỌC


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ