A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược Nga-Ấn Độ

 

QPTĐ-Tổng thống Nga V.Putin có chuyến thăm New Delhi (ngày 6/12) theo lời mời của Thủ tướng Ấn Độ N.Modi. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống V.Putin trong 6 tháng qua, khi đại dịch Covid-19 hoành hành ở châu Âu.

Tổng thống Putin và Thủ tướng Modi tại New Delhi ngày 6/12. (Ảnh: AFP)

Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao hai nước cho hay, hai vị lãnh đạo tiến hành hội đàm, thảo luận các vấn đề hợp tác sâu rộng về quốc phòng, kinh tế, năng lượng và thương mại. Giới quan sát đánh giá, sự hợp tác Nga-Ấn Độ sẽ thiết lập một trật tự mới trong khu vực. 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ A.Bagchi cho biết, hợp tác quân sự, quốc phòng tiếp tục là trọng tâm trong quan hệ Nga-Ấn, được hai nhà lãnh đạo dành nhiều thời gian thảo luận; trong đó, vấn đề đàm phán, tiếp nhận hệ thống phòng không hiện đại S-400 trở thành vấn đề nổi bật. Bên lề Hội nghị thượng đỉnh, Nga và Ấn Độ chính thức tổ chức “Đối thoại 2+2” lần đầu giữa Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng hai nước. 

Ấn Độ chú trọng phát triển mối quan hệ đôi bên cùng có lợi với Nga, quốc gia có vai trò quan trọng trên trường quốc tế và có tiềm lực quân sự mạnh, sở hữu các loại vũ khí hiện đại, tiên tiến và có trình độ khoa học, kỹ thuật quân sự-quốc phòng đứng vào Top đầu thế giới. Năm 2010, hai nước đã nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược lên Đối tác chiến lược đặc biệt và đặc quyền. 

Hiện, tương tác trong các lĩnh vực chính trị quốc tế cũng là một điểm nổi bật trong quan hệ Đối tác chiến lược đặc quyền Nga-Ấn Độ. Trên thực tế, Nga và Ấn Độ dễ tìm được tiếng nói chung ở Liên hợp quốc, xung quanh chương trình hạt nhân ở Iran, giải quyết chính trị tình hình ở Afghanistan, tình hình Trung Đông và Syria. Ngoài ra, Moskva và New Delhi đều là thành viên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20), Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu (BRICS bao gồm 5 quốc gia: Nga, Ấn Độ, Brazil. Trung Quốc, Nam Phi).

Cùng thời điểm này, diễn ra Hội nghị Dân chủ (trực tuyến) do Tổng thống Mỹ J.Biden chủ trì, mời Ấn Độ nhưng Nga và Trung Quốc không được mời. 

Cố vấn Đối ngoại Điện Kremlin Y.Ushakov cho biết: Tổng thống V.Putin rất coi trọng việc phát triển quan hệ Nga-Ấn. Trong Chiến lược an ninh quốc gia mới được Tổng thống phê chuẩn hồi tháng 7 vừa qua, Moskva coi việc mở rộng quan hệ hợp tác chiến lược với New Delhi là một trong những ưu tiên hàng đầu về đối ngoại nhằm thiết lập cơ chế bảo đảm an ninh, ổn định khu vực dựa trên cơ sở không liên kết trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. 

“Trong các cuộc hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ N.Modi, hai bên đã thảo luận sâu sắc hơn về quan hệ Đối tác chiến lược đặc biệt giữa hai nước. Hai nhà lãnh đạo đã trao đổi quan điểm về những vấn đề quan hệ quốc tế bao gồm việc phối hợp trong nhóm nước G20, BRICS và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải”-Bộ Ngoại giao Nga thông báo.

Nga và Ấn Độ đều quan tâm đến mối quan hệ với Ủy ban Kinh tế Á-Âu do Nga cầm lái mà Ấn Độ bắt đầu tham gia đàm phán nhằm hình thành một khu vực thương mại tự do. Với tư cách là nhà sản xuất vắc-xin lớn hàng đầu thế giới, Ấn Độ đã nhận được giấy phép sản xuất vắc-xin Sputnik-V của Nga điều trị Covid-19. 

Nga-Ấn duy trì hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Tháng 6 vừa qua, hai bên khởi công xây dựng Tổ máy số 5 Nhà máy Điện hạt nhân Kudankulam tại Ấn Độ. 

Trong những tháng đầu năm 2021, thương mại song phương Nga-Ấn Độ đạt tăng trưởng gần 12% cùng kỳ năm ngoái. Quan chức hai bên đều có nhận thức khá thực tế về tình hình thế giới có nhiều biến động bất thường, khó lường, trước nguy cơ xung đột khu vực và đe dọa biên giới cùng với các lệnh cấm vận của Mỹ, phương Tây; Mokva và New Delhi chủ động tiếp cận thị trường 1,5 tỉ dân của hai nước, đặt quyết tâm duy trì mức tăng trưởng cao bằng mọi cách, trong phạm vi có thể. 

Nga, Ấn Độ tăng cường trao đổi quân sự. (Ảnh: Internet)

Tuy vậy, mối quan hệ Nga-Ấn bị thách thức với nhiều sóng gió bởi yếu tố Mỹ và phương Tây.

Năm 2018, Ấn Độ ký với Nga hợp đồng trị giá 5,43 tỉ USD mua 5 tiểu đoàn phòng không S-400. Đây là một trong những hợp đồng thương mại quân sự lớn nhất mà Nga ký với nước ngoài ở thời điểm đó. Lập tức, Nhà Trắng tuyên bố, Ấn Độ phải hủy bỏ hợp đồng này nếu không muốn bị Mỹ trừng phạt theo Đạo luật trừng phạt đối thủ của Mỹ (CAATSA) ban hành năm 2017, nhằm ngăn cản các nước mua khí tài quân sự của Nga, bất chấp việc Moskva phản đối, lên án Mỹ cạnh tranh không lành mạnh. 

Thực tế, các nước: Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Arab Saudi đã ký hợp đồng  mua hệ thống S-400 của Nga. Thổ Nhĩ Kỳ (12/2020) bị Mỹ áp lệnh trừng phạt theo CAATSA, bị loại ra khỏi dây chuyền sản xuất tiêm kích tàng hình thế hệ 5: F-35 và hủy hợp đồng mua loại máy bay này. Một doanh nghiệp Trung Quốc cũng bị Mỹ trừng phạt do thương thảo mua tiêm kích Su-35 của Nga.

Tuy nhiên, vẫn có hàng chục nước khác đã và đang thảo luận mua hệ thống phòng không S-400 Nga bởi tính hiệu quả của vũ khí, nhằm bảo đảm an ninh lãnh thổ.

Hiện, Ấn Độ đang tiếp nhận hệ thống “rồng lửa” S-400 đầu tiên từ Nga, bất chấp Mỹ đe dọa cấm vận. Không dừng lại ở đó, Quân đội Ấn Độ đặt hàng Nga trang bị 400 xe tăng T-90, máy bay Su-30, MiG-29; chuyển giao dây chuyền sản xuất tên lửa, xe chiến đấu, bảo dưỡng nâng cấp xe tăng cùng 0,7 triệu khẩu súng AK-203. 

Gần đây, xung đột biên giới Trung-Ấn xung quanh dãy Himalaya, khiến mối quan hệ New Delhi và Bắc Kinh thêm căng thẳng. Trung Quốc xây dựng hiện đại hơn chục sân bay ở vùng giáp biên khiến Ấn Độ cần hơn các loại máy bay tiêm kích, tên lửa phòng không hiện đại. 

Hơn nữa, Ấn Độ là trụ cột trong “Bộ tứ Kim cương” bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Austarlia, Ấn Độ và Thỏa thuận an ninh AUKUS (Mỹ, Ấn Độ, Australia), nhằm làm đối trọng, kiềm chế Trung Quốc tự tung, tự tác khu vực. 

Cùng với chính sách về Chiến lược an ninh mới của Nga và vai trò quan trọng của Ấn Độ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, mối quan hệ chiến lược Nga-Ấn không chỉ là sự nồng ấm song phương, hẳn sẽ tiếp tục trải qua nhiều thử thách.

NHẬT MINH


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ