A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Châu Âu: Nỗi lo khủng hoảng năng lượng, lương thực

 

QPTĐ-Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã qua tuần thứ 7, vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc, kể từ khi Moskva mở chiến dịch quân sự đặc biệt (từ ngày 24/2) nhằm “phi phát xít hóa, phi hạt nhân hóa” Ukraine. 

 

Châu Âu đối diện khủng hoảng năng lượng toàn diện. (Ảnh: Internet)

Giới bình luận phương Tây đưa ra nhận định: Đây là cuộc xung đột vũ trang lớn nhất kể từ sau Thế chiến II và có thể kéo dài thêm vài tháng nữa. Mỹ và các đồng minh của Mỹ ở châu Âu, đã áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt toàn diện nhằm vào Nga, hòng làm tê liệt nền kinh tế của Nga, có thể đưa “Gấu Nga” quay trở lại thời kỳ thắt lưng buộc bụng như hồi thập niên 1980? 

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo, đòn trừng phạt nhằm vào Nga như con dao hai lưỡi, khiến nền kinh tế phương Tây cũng phải chịu tổn thất nghiêm trọng. Châu Âu và thế giới sẽ rơi vào cuộc khủng hoảng năng lượng, có nguy cơ thiếu lượng thực trầm trọng. 

Sau lệnh cấm vận năng lượng đối với Nga do Mỹ, Anh khởi xướng, Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố, giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu của Nga vào cuối năm nay và loại bỏ sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch Nga vào năm 2030. 

Nghị viện châu Âu thông qua nghị quyết cấm vận “hoàn toàn và ngay lập tức việc nhập khẩu dầu mỏ, than đá, nhiên liệu hạt nhân và khí đốt Nga”; loại Nga ra khỏi hệ thống thanh toán tài chính toàn cầu SWIFT và các tổ chức quốc tế; đóng băng tài sản một số ngân hàng Nga, cấm xuất khẩu vũ khí và một số hàng công nghệ cao cho Nga, cấm nhập cảng đối với các tàu của Nga. Đây là gói trừng phạt thứ 5 của EU nhằm vào Nga, trong hơn 1 tháng qua. 

Cùng với châu Âu, Mỹ và nhóm G7, bổ sung thêm hàng lọat lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga, trong đó có 2 ngân hàng lớn là Serbank và Alfabank, theo đó, hơn 2/3 lĩnh vực ngân hàng Nga đã bị chặn hoàn toàn. 

Mỹ cũng áp lệnh đóng băng tài sản, cấm giao dịch với hàng loạt quan chức cấp cao Nga và gia đình họ; cấm mọi hoạt động đầu tư mới của công dân Mỹ vào Nga.

Anh cam kết ngừng nhập khẩu than đá và dầu mỏ của Nga trước cuối năm nay; tiếp đến sẽ ngừng nhập khẩu khí đốt, sắt thép Nga; đưa hàng loạt quan chức, doanh nghiệp Nga vào danh sách trừng phạt. 

Gánh chịu cuộc chiến kinh tế chưa từng có tiền lệ, nền kinh tế Nga bị tổn thương khá nặng nề. Thị trường chứng khoán Nga sụt giảm nghiêm trọng, tín dụng quốc gia hạ xuống mức thấp, đồng ruble lao dốc, giá lương thực, thực phẩm leo thang; nhiều công ty đa quốc gia châu Âu lo ngại lệnh trừng phạt đã rút khỏi thị trường Nga. Ngoại trừ dầu thô và khí đốt tự nhiên, các hoạt động trao đổi kinh tế, thương mại, đầu tư, giao lưu văn hóa của Nga với phương Tây gần như đóng cửa.

Tuy vậy, châu Âu vẫn tiêu thụ 40% khí đốt, 27% lượng dầu mỏ của Nga, trong khi giá dầu khí tăng cao, khiến doanh thu từ năng lượng-lĩnh vực xương sống của nền kinh tế Nga vẫn doanh thu cao. Châu Âu và EU phụ thuộc lớn vào nguồn cung cấp năng lượng từ Nga.

Hiện, Nga đang đóng vai trò quan trọng trong 4 lĩnh vực chính của thị trường quốc tế. Trong lĩnh vực năng lượng, Nga là nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất, nước xuất khẩu dầu thô thứ 2, nước xuất khẩu than đá đứng thứ 3 thế giới. 

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Nga và Ukraine là vựa lúa mỳ thế giới, chiếm 1/3 thương mại toàn cầu về lúa mỳ, lúa mạch, ngô, yến mạch và nhiều sản phẩm nông nghiệp khác. Trong lĩnh vực phân bón, Nga là 1 trong 3 nhà xuất khẩu hàng đầu, dẫn đầu thế giới về buôn bán kali, phân đạm, phân lân; là nước giao dịch kim loại hàng đầu và là nhà sản xuất chính về titan, niken, paladi, bạch kim và nhiều kim loại quý, hiếm khác. 

Do vậy, các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây đối với Nga sẽ đe dọa an ninh kinh tế, năng lượng, lương thực và kim loại toàn cầu, phá vỡ sự cân bằng cung-cầu và chuỗi cung ứng, sản xuất, gây bão giá, đảo lộn trật tự hàng hóa thế giới.

Biến động giá dầu thô toàn cầu sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới. Sự gián đoạn trong xuất khẩu lúa mì, lúa mạch, ngô, phân bón có thể làm trầm trọng thêm nạn đói và an ninh lương thực toàn cầu, nhất là các nước Trung Đông, châu Phi đang phụ thuộc lớn vào nguồn cung lương thực từ Nga và Ukraine. Trong khi giá kim loại tăng cao sẽ tăng thêm chi phí trong nhiều lĩnh vực như công nghiệp ô tô, hàng không vũ trụ, chất bán dẫn. 

Ủy ban điều hành EU cho biết, lệnh cấm nhập than đá sẽ khiến Nga thiệt hại 4 tỉ euro/năm (4,4 tỉ USD). Tuy nhiên, so với dầu mỏ và khí đốt tự nhiên, than đá là “loại vũ khí” quá nhỏ và ít gây thiệt hại hơn cả trong “kho vũ khí chiến lược kinh tế” của Nga. Lượng than đá Nga xuất khẩu sang EU chỉ chiếm 1/4 và mặt hàng than chỉ chiếm 3,5% doanh thu xuất khẩu của Nga. Tuy nhiên, lệnh cấm này đã khiến giá than giao sau của châu Âu tăng từ 255 USD/tấn lên 290 USD/tấn.  

Hiện, EU chi trả mua than đá cho Nga 20 triệu USD/ngày trong khi phải chi đến 850 triệu USD/ngày cho dầu, khí đốt. 27 thành viên EU rất khó nhất trí một lệnh cấm về dầu mỏ, khí đốt tự nhiên của Nga, trong đó có các nền kinh tế lớn như Đức, Italy. Mặc dù Đức cắt giảm nhập khẩu khí đốt của Nga từ 55% xuống còn 40% nhưng lệnh cắt giảm sẽ gây ra hậu quả lớn cho nền kinh tế, dân sinh Đức. 

“GDP của Đức có thể thiệt hại 220 tỉ euro (238 tỉ USD) trong 2 năm tới nếu Nga khóa van khí đốt cung cấp cho châu Âu”-Giám đốc Viện Kinh tế thế giới Kiel S.Kooths nhận định. 

Xung đột quân sự đã khiến nền kinh tế Ukraine bị tàn phá nặng nề, ngành công nghiệp quốc phòng gần như bị tê liệt, dự báo tăng trưởng âm trong vài năm tới. Ukraine được xem là vựa thực phẩm của châu Âu, với 32 triệu ha canh tác, gần 50 triệu tấn ngũ cốc xuất khẩu (năm 2019), vượt cả Nga; 9% nguồn cung lúa mì thế giới. Hiện, Kiev bị dồn ứ hàng nông nghiệp, không thể xuất khẩu bởi chiến sự. Nga bao vây Biển Đen-hành lang thương mại, khiến giá lúa mì, mạch tăng cao. Đó là chưa kể đến 4,5 triệu người dân Ukraine phải di cư, tránh bom đạn. 

Bất chấp lệnh cấm vận, cả Mỹ, Anh và các nước EU vẫn tiếp tục mua dầu, khí đốt của Nga, khiến kim ngạch xuất khẩu năng lượng Nga (năm 2022) ước đạt 321 tỉ USD, tăng 1/3 so với năm 2021. “Phương Tây sẽ không thể cô lập một nước lớn như Nga, trong khi Nga sẽ không tách mình khỏi phần còn lại của thế giới”-Tổng thống Nga V.Putin tuyên bố. 

 NHẬT MINH


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ