A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chủ động phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

QPTĐ-Dịch tả lợn châu Phi là một bệnh lây nhiễm do virus gây ra và có nguồn gốc đầu tiên từ châu Phi. Bệnh có thể bắt gặp ở bất kỳ loài lợn nào, ở bất kỳ lứa tuổi nào của lợn với khả năng lây lan vô cùng nhanh. Hiện nay, dịch bệnh này chưa có thuốc điều trị và vắc xin phòng bệnh; vi rút tồn tại lâu ngoài môi trường, vì vậy, công tác phòng, chống gặp nhiều khó khăn. 

Năm 2019, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện và lây lan trên phạm vi cả nước, gây thiệt hại đặc biệt lớn. Bệnh dịch này đã xảy ra tại 667 huyện của 63 tỉnh, thành phố với tổng số lợn tiêu hủy gần 6 triệu con, với tổng trọng lượng trên 340.000 tấn, chiếm khoảng 9% tổng trọng lượng lợn của cả nước. Năm 2020, tuy dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát nhưng vẫn xảy ra ở một số địa phương. Theo Cục Thú y, từ đầu năm đến nay, cả nước xảy ra 1.409 ổ dịch (bao gồm 496 ổ dịch xảy ra từ cuối năm 2019 và kéo dài sang năm 2020, 27 ổ dịch phát sinh mới và 886 ổ dịch tái phát) tại 307 huyện thuộc 50 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn tiêu hủy là gần 77 ngàn con, tổng trọng lượng khoảng 3.845 tấn. 

Hà Nội chủ động các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. (Ảnh: Internet)

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, từ ngày 4-9, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại xã Đông Phương Yên (huyện Chương Mỹ). Hiện nay, dịch xuất hiện tại 18 hộ chăn nuôi của 15 thôn thuộc 10 xã của 5 huyện (Chương Mỹ, Đông Anh, Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Oai) làm chết và phải tiêu hủy 312 con lợn, với trọng lượng hơn 18.000kg. Ngay khi xảy ra ổ dịch tả lợn châu Phi, Sở đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y triển khai các bước phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Cục Thú y. Đến nay, các ổ dịch cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, theo nhận định của Sở, nguy cơ bùng phát dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn hiện vẫn rất cao. 

Để chủ động phòng, chống, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu với UBND Thành phố ban hành  Kế hoạch số 187/KH-UBND triển khai các giải pháp, hành động ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp với khả năng bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm trên địa bàn. 

Cụ thể, khi chưa phát hiện bệnh dịch, Thành phố yêu cầu tăng cường công tác thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về mức độ nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi dưới nhiều hình thức; tổ chức tập huấn cho hệ thống thú y cơ sở và các đối tượng liên quan về các biện pháp ứng phó. Các địa phương tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và tuân thủ nghiêm các quy định. Củng cố hoạt động của các trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông và các chốt kiểm dịch động vật liên ngành Thành phố và Đội kiểm dịch động vật lưu động; tổ chức tốt công tác tiêm phòng cho đàn lợn, đặc biệt đối với bệnh dịch tả lợn và tổ chức tiêu độc môi trường chăn nuôi, chú ý tại những nơi có nguy cơ cao như chợ, bãi rác; thực hiện vệ sinh, tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn.

Các cơ quan chức năng và địa phương tổ chức giám sát chặt chẽ nơi buôn bán, giết mổ, trung chuyển lợn: Lấy mẫu giám sát vi rút dịch tả lợn châu Phi đối với các loại lợn, sản phẩm của lợn nghi mắc bệnh, nghi nhập lậu (thịt tươi, thịt đông lạnh, dăm bông, xúc xích) tại các điểm, cơ sở giết mổ lợn hoặc trong quá trình vận chuyển; xây dựng phương án đóng cửa chợ, nơi buôn bán lợn, các sản phẩm của lợn và có các biện pháp xử lý khi phát hiện có vi rút dịch tả lợn châu Phi...

Khi phát hiện có sự xâm nhiễm của dịch bệnh, chính quyền và các cơ quan chuyên môn cần tổ chức thực hiện ngay các biện pháp xử lý ổ dịch, các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định; xử lý triệt để ổ dịch ở phạm vi nhỏ và chưa lây lan; tiêu hủy đàn lợn mắc bệnh và các đàn lợn có nguy cơ nhiễm bệnh và khoanh vùng dịch, vùng đệm theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thú y; không điều trị lợn bệnh, nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Ngài ra, Thành phố nghiêm cấm vận chuyển, giết mổ, kinh doanh lợn và các sản phẩm của lợn, kể cả sản phẩm đã qua chế biến chín trong khu vực có dịch. Tổ chức ký cam kết đối với các hộ chăn nuôi, buôn bán, kinh doanh, vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tăng cường thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại khu vực có dịch và khu vực xung quanh để tiêu diệt mầm bệnh và tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp thực hành chăn nuôi tốt.

Đức Minh
 


Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ