Dưới mái trường quân sự Thủ đô Hà Nội
QPTĐ-Thực hiện phương châm “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”, Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô đã cụ thể hóa nội dung với nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Cùng với đó, Nhà trường chủ động phối hợp với các đơn vị, địa phương nhằm gắn kết chặt chẽ công tác giáo dục, đào tạo (GD, ĐT) của Nhà trường với thực tiễn huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và quản lý bộ đội ở cơ sở. Đồng thời, tổ chức các hoạt động tham quan, nghiên cứu thực tế, khảo sát, xây dựng chuẩn đầu ra chương trình đào tạo; trao đổi kết quả thực hiện nhiệm vụ của học viên sau khi tốt nghiệp ra trường...
Thầy trò cùng nỗ lực
Đến Trường Quân sự một ngày cuối Thu, trên các lớp học ở khu giảng đường, không khí học tập diễn ra sôi nổi. Tham quan, một buổi học của lớp liên thông Cao đẳng đào tạo ngành quân sự cơ sở khóa 11 với nội dung “Công tác Đảng, công tác chính trị trong tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ” do Thượng tá Phí Văn Khánh, Tổ trưởng Bộ môn Lý luận Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh đứng lớp, chúng tôi ấn tượng với phong cách giảng bài cuốn hút, sinh động của anh. Hơn 20 năm gắn bó với công tác giảng dạy, anh Khánh luôn tích cực tìm tòi, đổi mới phương pháp giảng dạy. Anh Khánh tâm sự: “Thực tiễn quá trình giảng dạy luôn đặt ra những yêu cầu mới, nội dung mới, đối tượng mới, đòi hỏi mỗi giảng viên làm mới bài giảng mỗi ngày. Tôi hay sử dụng các phương pháp phát vấn hay xử lý tình huống sư phạm. Đặc biệt là những tình huống gắn với thực tiễn đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ diễn tập”. Khi lên lớp giới thiệu nội dung bài giảng anh Khánh thường kết hợp chiếu các video clip để minh họa. Sau này trên cương vị công tác của mình, các học viên sẽ nắm và chỉ huy hoặc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác quân sự một cách hiệu quả, thiết thực.
Ở sân trường, học viên Lớp bồi dưỡng kiến thức quân sự vẫn đang miệt mài ôn luyện nội dung: Điều lệnh đội ngũ, chiến thuật từng người, tổ bộ binh trong chiến đấu. Thiếu tá Nguyễn Hữu Lực, giảng viên bộ môn Điều lệnh, Khoa Binh chủng hợp thành cho biết: “Việc duy trì ôn luyện như thế này rất bổ ích và thiết thực, nhằm rèn luyện cho học viên có ý thức tổ chức kỷ luật, tư thế trang nghiêm, hùng mạnh”.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, trong năm học 2023-2024, nhà trường đã tiếp nhận và đào tạo, bồi dưỡng, bổ túc, huấn luyện, tập huấn cho 36 đối tượng, quân số 18.595 học viên, sinh viên. Tổ chức thi, kiểm tra 100% đạt yêu cầu trở lên, trong đó tỷ lệ khá, giỏi trên 95%. Thông qua đánh giá khảo sát kết quả học viên ra trường thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị, địa phương chất lượng tốt, thể hiện hiệu quả của việc bám sát phương châm, phản ánh trung thực, khách quan quá trình đào tạo, đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang Thủ đô và Quân đội, góp phần trực tiếp nâng cao vị thế, uy tín của Nhà trường với thủ trưởng Bộ Tư lệnh, các ban, bộ ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương.
Trao đổi về kết quả đạt được trong thực hiện phương châm, Đại tá Đỗ Hồng Thái, Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ: “Chúng tôi tập trung vào các giải pháp lớn để làm sao đưa phương châm thành hiện thực. Để làm được điều này, chúng tôi đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Theo hướng chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong chỉ đạo, quyết liệt trong tổ chức thực hiện. Tiếp đến, nhà trường quan tâm đến giải pháp cốt lõi, đó là nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý. Người thầy trong giáo dục là yếu tố quyết định đến chất lượng của công tác GD, ĐT. Cùng với đó, Nhà trường cũng đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ vào giảng dạy... Quá trình triển khai thực hiện, Nhà trường đẩy mạnh Phong trào Thi đua Quyết thắng, hướng vào thực hiện tốt nhiệm vụ GD, ĐT, nghiên cứu khoa học”.
Chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo
Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục đào tạo và hiệu quả triển khai thực hiện phương châm. Đảng ủy Nhà trường đã ban hành Nghị quyết số 383 về xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo, tập trung lãnh đạo quy hoạch, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục ở các cấp. Đặc biệt, Nhà trường đã xây dựng, triển khai thực hiện quy chế nhận xét giáo viên, cán bộ, đánh giá thực chất, chất lượng, bổ sung quy hoạch tạo nguồn, luân chuyển giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, bảo đảm vừa có trình độ học vấn và kinh nghiệm thực tế. Kết hợp chặt chẽ giữa tự đào tạo và gửi đi đào tạo, bồi dưỡng ở các học viện, nhà trường trong Quân đội; giữa bồi dưỡng tại trường và cử đi thực tế ở đơn vị, bổ sung, hoàn thiện các tiêu chí, tiêu chuẩn đối với chức danh giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Đến nay có 100% giáo viên, cán bộ quản lý có trình độ đại học, 24,1% sau đại học (tăng so với trước khi thực hiện phương châm 12,7%).
Ngoài ra, Nhà trường còn đẩy mạnh các hoạt động, phương pháp tại các khoa, tổ bộ môn; tập trung nâng cao chất lượng biên soạn bài giảng, kế hoạch giảng bài, bảo đảm thống nhất trong tổ chức thực hiện. Đồng thời, ban hành đồng bộ đề cương chi tiết bài giảng (tổng số 620 bộ). Áp dụng các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật vào thực tiễn quá trình giảng dạy, huấn luyện. Tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp khoa, cán bộ quản lý giỏi cấp tiểu đoàn, cấp trường; Hội thi sáng kiến cải tiến kỹ thuật nhằm nâng cao trình độ, phương pháp huấn luyện, giảng dạy và nghiên cứu khoa học cho đội ngũ cán bộ, giáo viên.
Đại tá Đỗ Hồng Thái cho biết: Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và mở rộng thao trường huấn luyện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; tiếp tục thực hiện khâu đột phát về xây dựng nền nếp chính quy, chấp hành kỷ luật, cải cách hành chính quân sự, chuyển đổi số; xây dựng đơn vị điểm về huấn luyện điều lệnh… Các hoạt động đều gắn chặt với thực hiện Phong trào Thi đua Quyết thắng và các đợt thi đua đột kích của cấp trên và Nhà trường phát động; bảo đảm, cuối khóa 100% học viên tốt nghiệp ra trường sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ...
Phúc Nguyên-Nguyễn Tú