A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sự đồng hành và niềm tin của nhân dân là sức mạnh chiến thắng dịch bệnh

 

QPTĐ-Trong thời gian qua, lợi dụng diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, một số đối tượng phản động, chống đối trong và ngoài nước đã đăng tải, phát tán lên không gian mạng các thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc tình hình liên quan đến dịch bệnh và công tác phòng chống dịch bệnh của Việt Nam, gây hoang mang dư luận và kích động nhân dân, xuyên tạc biện pháp phòng chống của các cơ quan chức năng, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

 

 

Quân đội thực hiện việc phun thuốc khử trùng khu phố Trúc Bạch, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.  

Ảnh: Internet


Trước ngày 6-3, khi chưa xuất hiện bệnh nhân Covid-19 thứ 17, các thế lực thù địch tập trung xuyên tạc, cho rằng Nhà nước giấu dịch, bưng bít thông tin về tình hình dịch bệnh ở Việt Nam. Mặt khác, chúng xuyên tạc, lợi dụng vấn đề không đóng cửa biên giới để xuyên tạc, chống phá mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, xuyên tạc về độc lập, chủ quyền của Việt Nam.


Chiều tối ngày 6-3, khi Việt Nam xuất hiện ca nhiễm Covid-19 thứ 17 và đến ngày 9-3, ghi nhận ca thứ 31 nhiễm Covid-19, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị chuyển sang chê bai, trách móc cách phòng chống dịch bệnh của Việt Nam. Thâm độc hơn, một số phẩn tử còn xuyên tạc trắng trợn rằng, bệnh nhân số 17 là một vở kịch của chính quyền dựng lên nhằm hợp thức hóa những che giấu trước đó. Chúng xuyên tạc rằng: “Đối với khá nhiều người thì bệnh nhân thứ 17 đã phá vỡ một kịch bản hoàn hảo về một hệ thống y tế tuyệt vời, mà chính quyền Việt Nam cố gắng tạo dựng, khi chứng minh là chính quyền đã làm tất cả để phòng ngừa, khống chế dịch, và điều trị tốt nhất cho người không may mắc bệnh. Nhưng ngược lại, nhiều nhà quan sát cũng cho rằng chính bệnh nhân số 17 đã cho thấy rõ nhiều kẽ hở và khuyết tật của hệ thống phòng dịch Việt Nam, ít nhất xét về mặt chính thức, hay nói một cách hình tượng là về ''phần nổi của tảng băng'', bởi phần chìm cần có những điều tra”.

 

Hay một lập luận khác cũng rất thâm độc: “Một trường hợp chị Nguyễn Hồng Nhung bay từ châu Âu trở về Việt Nam và mang theo dịch bệnh Covid-19, nhưng tại sao trong suốt thời gian vừa qua có cả trăm ngàn người dân Trung Quốc qua lại Việt Nam mà chẳng hề bị sao cả, đó là những câu chuyện lạ đời ở một xã hội đang bị bưng bít thông tin và những thông tin luôn được lèo lái có chủ trương của một thể chế độc tài. Trong suốt thời gian vừa qua, đã có nhiều trường hợp bị nhiễm bệnh do virus và có nhiều trường hợp tử vong nhưng đã được các bác sĩ xác nhận là tử vong từ một loại bệnh khác”… Những luận điệu này không chỉ rất thâm độc mà còn bất lương, vô cảm, hết sức tàn nhẫn.


Có thể nói, việc xuất hiện bệnh nhân nhiễm Covid-19 thứ 17 ở Việt Nam là điều đã được dự báo từ trước. Chính phủ và các cơ quan chức năng cũng nhận thức rõ điều đó, nhất là khi nó đã bùng phát ở mức toàn cầu. Ngày 4-3, Bộ Quốc phòng đã tổ chức diễn tập với quy mô toàn quân nhằm thống nhất trình tự nội dung, phương pháp chỉ huy, điều hành phòng chống dịch Covid-19 ở 5 cấp độ. Trong đó, kịch bản ở cấp độ 5 là có dịch lây lan trong cộng đồng với trên 3.000 đến 30.000 người mắc và lây lan vào một số đơn vị quân đội.


Các địa phương cũng chủ động các phương án để xử lý kịp thời khi có tình huống xảy ra. Chính vì vậy, ngay khi xuất hiện bệnh nhân số 17, Hà Nội đã huy động tổng lực cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc nhằm ngăn chặn, hạn chế việc lây lan của dịch bệnh. Chưa đầy 24 giờ (từ 15h00 ngày 6-3 đến 10h00 ngày 7-3), Hà Nội tổ chức 3 cuộc họp khẩn để phòng chống Covid-19. Tại các cuộc họp này, các biện pháp quyết liệt được triển khai nhanh chóng. Trong nỗ lực ngăn chặn dịch, thành phố quyết định nâng 1 bậc cách ly: Người trong diện cách ly tại nhà vẫn đưa đi cách ly tập trung, người cần giám sát theo dõi y tế thì tiến hành cách ly tại nhà, người tiếp xúc gần với bệnh nhân phải cách ly tại bệnh viện và lấy mẫu xét nghiệm như một ca Covid-19. Các trường hợp F4, F5 cách ly tại nhà 14 ngày, kiểm tra thân nhiệt ngày 2 lần. Tiếp tục điều tra giám sát mở rộng theo phương châm "điều tra đến đâu cách ly đến đấy", vì các nhóm này có thể phát bệnh bất cứ lúc nào. Thành phố cũng chỉ đạo các lực lượng chức năng làm việc xuyên đêm với tinh thần khẩn trương nhất, bởi thời gian là vàng trong phòng chống dịch Covid-19.


Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, ngay trong đêm 6-3, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ LLVT, y, bác sĩ, nhân viên y tế, phòng dịch, vệ sinh môi trường…không ngại nguy hiểm, vất vả khoanh vùng, cách ly, phun thuốc khử trùng các khu vực có người nhiễm Covid-19. Có thể nói, Hà Nội đã làm tốt nhất những điều có thể để ngăn chặn dịch.


Ở một diễn biến khác, khi xuất hiện bệnh nhân thứ 17, dường như niềm tin của một bộ phận người dân vẫn chưa đủ vững. Nhiều người để cho những hoang mang, sợ hãi bị đẩy lên cao. Biểu hiện là ngay trong đêm 6-3, và sáng 7-3, nhiều người đã đổ xô đi mua nhu yếu phẩm tích trữ để "phòng thân". Điều này được đẩy lên cao hơn khi một số đối tượng bất hảo tung tin, chia sẻ, khuyến cáo người dân tích chữ hàng, tạo nên những xáo trộn trên thị trường. Tuy nhiên, ngay sau đó, từ cuối ngày 7-3, hình ảnh các giá, kệ tại các siêu thị ở Hà Nội được bù lại đầy ắp hàng hóa đã là câu trả lời thực tế nhất cho khả năng cung ứng nguồn thực phẩm dồi dào của Thành phố. Chính những nỗ lực của các cấp chính quyền đã giúp người dân an tâm, tin tưởng vào những biện pháp chống dịch, từ đó, không còn hoang mang, lo sợ.


Từ khi ca nhiễm Covid-19 thứ 17 xuất hiện, nước ta đã bước vào giai đoạn 2 của cuộc chiến phòng, chống dịch, khó khăn hơn. Dịch đã lan ra hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ và đã vào Việt Nam nên hơn khi nào hết, ngay lúc này, sự chia sẻ và tin tưởng của người dân vào khả năng điều hành của Chính phủ, Thành phố và các cấp chính quyền cần được nhân lên nhiều hơn nữa. "Cuộc chiến" phòng, chống dịch sẽ ngày càng hiệu quả hơn nhờ sự đồng hành và niềm tin của mỗi người dân tiếp sức.


Đức Phương

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ