A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Không cho phép xuyên tạc chiến thắng 30-4-1975

 

QPTĐ-Chiến thắng ngày 30/4/1975 là thành quả vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; là trang sử hào hùng, chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc. Đó là thắng lợi của chính nghĩa trước bạo lực, cường quyền; là biểu tượng sáng ngời về ý chí bất khuất, khát vọng hòa bình, tự do của dân tộc Việt Nam và nhân loại tiến bộ. Sự thật lịch sử đó không thế lực thù địch nào có thể xuyên tạc.

 

 

Các thế lực thù địch tăng cường xuyên tạc chiến thắng 30/4/1975.

 

Hàng năm cứ vào dịp 30-4, các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị lại ra sức tuyên truyền, chống phá đất nước, xuyên tạc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Năm nay cũng vậy, trên các trang mạng xã hội, facebook cá nhân, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, nhất là một số tổ chức phản động ở nước ngoài như Việt Tân, Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời... tiếp tục điệp khúc cũ mòn, tìm cách xuyên tạc chiến thắng vĩ đại-giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của nhân dân ta. Chúng ngụy biện, sống sượng xung quanh vấn đề tính chất cuộc chiến tranh. Sự can thiệp trắng trợn, vô nhân đạo của đế quốc Mỹ vào chủ quyền của dân tộc Việt Nam được coi là một hành động để bảo vệ nền dân chủ. Những người theo chân Mỹ chia cắt đất nước, tàn sát đồng bào mình được coi là một “sự lựa chọn chính trị khác”, vì một “lý tưởng khác”... Thậm chí, chúng xuyên tạc rằng miền Bắc xâm lược miền Nam và gọi ngày 30-4 là “ngày quốc hận”; ngụy biện cuộc chiến tranh chống xâm lược bảo vệ độc lập dân tộc của toàn dân ta là “cuộc nội chiến”, “huynh đệ tương tàn”…


Ngược dòng lịch sử sẽ thấy, một sự thật hiển nhiên là cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam do Mỹ khởi xướng, với sự tiếp tay, phản bội dân tộc của ngụy quyền Sài Gòn đã thất bại thảm hại vào tháng 4-1975 là một tất yếu không tránh khỏi. Nguyên nhân cơ bản, sâu xa nhất dẫn tới thất bại, trước hết, đó là một cuộc chiến tranh phi nghĩa, vô cùng tàn bạo. Từ lâu, Mỹ đã coi miền Nam Việt Nam là địa bàn chiến lược, để ngăn chặn ảnh hưởng của chủ nghĩa Cộng sản tại Đông Nam Á. Họ cần có một chính phủ chống Cộng, biết nghe lời và phục vụ đắc lực cho mưu đồ bá chủ thế giới. Thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ về lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương, trong khi Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa cố gắng theo đuổi các giải pháp hòa bình, thì ngay từ đầu, Mỹ và chế độ Ngô Đình Diệm, sau đó là chế độ Nguyễn Văn Thiệu, đã rắp tâm tìm mọi cách chia cắt, phá hoại công cuộc hòa bình, thống nhất đất nước. Các yêu cầu đàm phán, tiến tới Tổng tuyển cử, thống nhất hai miền Nam-Bắc, liên tiếp được Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa đưa ra và đều bị từ chối vào tháng 6, tháng 7-1957, tháng 3, tháng 12-1959 và  tháng 7-1960. Thay vào đó là các chiến dịch lê máy chém khắp miền Nam, đàn áp khốc liệt những người kháng chiến cũ, những đảng viên Cộng sản, những ai mong muốn thống nhất đất nước. Tiếp đó là các chiến lược: “Chiến tranh đặc biệt” (1961-1965), “Chiến tranh cục bộ” (1965- 1966) và “Việt Nam hóa chiến tranh (1969-1973) tàn phá miền Nam, tiêu diệt phong trào đấu tranh của quần chúng, nhằm thực hiện mưu đồ của chúng.


Trong cuộc chiến này, Mỹ đã chi phí khoảng 686 tỷ USD, là một trong các cuộc chiến tranh tổn hại nhất trong lịch sử nước Mỹ. Cùng với Quân đội Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn, có thời điểm còn có sự tham gia của quân đội 5 nước đồng minh trực tiếp và 29 nước khác gián tiếp với khoảng 6 triệu lượt binh sĩ tham chiến. Trong khoảng thời gian đó, Mỹ, ngụy đã tổ chức nhiều chiến dịch lùng sục, càn quét và thảm sát tại khắp nơi ở miền Nam; đồng thời, còn tiến hành 2 cuộc chiến tranh phá hoại bằng đường không ở miền Bắc, tàn phá nặng nề các công trình giao thông, kinh tế, trường học, bệnh viện… nhằm “đưa Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá”. Việt Nam đã trở thành bãi chiến trường để Mỹ phô diễn, thử nghiệm hầu hết các loại phương tiện, vũ khí chiến tranh; trong đó, có nhiều loại hiện đại, tối tân lần đầu tiên được sử dụng. Máy bay Mỹ đã ném xuống Việt Nam khoảng 7,85 triệu tấn bom, gấp 3 lần số bom sử dụng trong chiến tranh Thế giới 2; rải xuống khắp miền Nam Việt Nam khoảng 75 triệu lít chất độc hóa học đi-ô-xin...


Nhưng với nhiều tỷ USD, với Quân đội hùng mạnh và vũ khí hủy diệt, Mỹ và các nước chư hầu đã không khuất phục được ý chí kiên cường của dân tộc Việt Nam. Như chính lời thú nhận của cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ Robert McNamara-người được xem là “kiến trúc sư” cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam trong cuốn hồi ký mang tựa đề “Hồi tưởng” xuất bản năm 1995: “Chúng ta đánh giá thấp sức mạnh của tinh thần dân tộc có thể huy động nhân dân đấu tranh và hy sinh vì đức tin và giá trị của họ”; “…Chúng ta không chịu nhận thức về cái gì là lợi ích tốt nhất của đất nước và dân tộc khác”, “Chúng ta không được Thượng đế ban phát quyền nhào nặn một dân tộc khác theo hình ảnh của chúng ta…”. Như vậy là, từ phía bên kia, những người lãnh đạo cuộc chiến tranh này đã thừa nhận họ đã sai lầm và tất yếu là bên thua cuộc trước tinh thần bảo vệ Tổ quốc quật cường của nhân dân Việt Nam.


45 năm đã trôi qua, nhưng thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc, Đại thắng mùa Xuân 1975 vẫn in dấu ấn sâu đậm trong lòng nhân dân ta và bạn bè tiến bộ yêu chuộng hòa bình, độc lập, tự do, công lý trên thế giới và vẫn là sức mạnh tinh thần to lớn cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Chúng ta không cho phép bất cứ ai, thế lực nào xuyên tạc lịch sử, ý nghĩa của Chiến thắng 30-4-1975.


Đỗ Văn Mai


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ