A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh giác với tin giả và luận điệu chống phá đất nước

 

QPTĐ-Trong bối cảnh cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân đang nỗ lực “chống dịch Covid-19 như chống giặc” và có được kết quả bước đầu thì trên không gian mạng xuất hiện không ít tin giả gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác phòng, chống dịch. Cùng với đó, các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị cũng lợi dụng dịch bệnh để xuyên tạc, chống phá đất nước.

 

 

Tin giả trên mạng xã hội gây hoang mang dư luận.

 

Cảnh giác với tin giả


Mới sáng sớm, cầm điện thoại lên đã thấy hàng chục tin nhắn từ Zalo, Facebook, Messenger chưa đọc, trong đó trên nhóm Zalo lớp THPT, các bạn học đang sôi nổi bàn luận, chia sẻ về tình hình dịch Covid-19. Không có gì bất ngờ, lúc này không nói đến Covid-19 thì còn bàn cái gì nữa. Thấy tôi online, có bạn liền hỏi: 
- Ông ở trong ngành, có phải Hà Nội sắp phong tỏa Thành phố?
- Ông lấy thông tin đó ở đâu?
- Trên mạng nói thế.
- Tin đồn không có căn cứ. Trước mắt Thành phố không có chủ trương phong tỏa diện rộng mà chỉ khoanh vùng cách ly khu vực có người nghi nhiễm. Cơ bản Hà Nội đang kiểm soát tốt tình hình. Các trường hợp dương tính Covid-19 đều khai lịch sử y tế rõ ràng nên không có chuyện phong tỏa cả Thành phố.

- Ông đúng nói giọng tuyên truyền.
Có bạn khác lại nói:
- Có phong tỏa thì ai lại nói ra. Nói ra thì chạy hết à.


Tóm lại, mặc dù đã đem hết khả năng diễn thuyết cùng với hiểu biết để bảo vệ ý kiến của mình nhưng xem ra cũng không thể thuyết phục được mọi người. Và tôi cũng tin chắc rằng, những câu chuyện về Covid-19 kiểu như trên không chỉ cá biệt trên nhóm lớp học THPT của tôi mà còn ở rất...rất nhiều trên Zalo, Facebook, Twitter, google... 


Rất may là ngay tối hôm đó, trả lời báo chí, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung đã khẳng định: "Không có việc, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch đưa ra quyết định sẽ phong toả thành phố Hà Nội". Cũng theo lãnh đạo Hà Nội, số lượng ca nhiễm Covid-19 của Hà Nội tăng lên trong vài ngày gần đây, nguyên nhân nguồn lây nhiễm do một số công dân Việt Nam từ các vùng dịch đi về, cũng như một số khách nước ngoài đến Hà Nội. Tuy nhiên, Hà Nội đang kiểm soát tốt tình hình, nhanh chóng phát hiện sớm các biểu hiện dịch bệnh, xét nghiệm và tiến hành cách ly nhanh. 


Trước đó một vài ngày cũng có một loạt tin giả (fake news) liên quan đến dịch Covid-19 như: “GS Bách, thành viên BCĐ phòng chống dịch bệnh cho biết: Chúng ta chỉ có tầm 4-6 ngày để nó chuyển giai đoạn từ 30 ca lên mức 100-500 ca! Và khoảng 8-12 ngày (sau khi thiết lập mốc 500) để lên mức 1000-5000 ca! Rất cần truyền thông để bà con ở nhà! Hạn chế đi lại 1 tuần để đợt sóng này biểu hiện lâm sàng hết và khoanh lại!!! Rất ngắn ở mức này”. Bộ Y tế sáng 9-3 cho biết, đây hoàn toàn là tin giả, vì trong thành phần của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch không ai có tên là Bách. Cá nhân PGS.TS Trần Xuân Bách cũng xác nhận không đưa thông tin này, đây là tin giả mạo, ông đề nghị mọi người xóa và không share.


Với thủ đoạn đưa ra những thông tin dưới dạng “nguồn nội bộ”, “tin mật không công bố vì không có lợi”... để đánh vào tâm lý tò mò, hóng tin của người dân khi tung lên facebook, các diễn đàn mạng thì ngay lập tức nhận được chia sẻ của hàng loạt cá nhân. Tốc độ lan truyền rất nhanh và qua mỗi người lại được thêm thắt hoặc cắt xén, tạo ra sự hỗn độn khó kiểm soát. Mục đích của việc tung tin giả rất khác nhau, có khi chỉ đơn giản là để câu like, đánh bóng tên tuổi, gây sự chú ý với mọi người...nhưng hậu quả của nó lại rất nặng nề. Đặc biệt, trong thời kỳ dịch bệnh, tin giả tạo tâm lý hoang mang, bất ổn trong dân chúng.

 

Đập tan luận điệu chống phá

Cùng với việc những cá nhân tung tin sai lệch ở trong nước thì số phản động lưu vong như Việt Tân, Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời, VOICE…; các phần tử phản động, cơ hội chính trị tăng cường tạo, phát tán thông tin có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam. 


Hơn 1 tháng trước, thông tin mà các thế lực thù địch đưa ra có mục đích ngụy tạo bức tranh đen tối về tình hình dịch bệnh tại Việt Nam nên chúng vẽ ra: "số người mắc bệnh, sự lây lan tốc độ nhanh ở nhiều địa bàn lớn gấp nhiều lần con số chính thức do Chính phủ Việt Nam công bố"; “số ca tử vong vì Covid-19 nhưng chính quyền nói là âm tính”... Từ ngụy tạo “luận cứ giả” nêu trên, các thế lực thù địch đổ lỗi cho Nhà nước về nguyên nhân để xảy ra dịch bệnh là đã không ngăn chặn ngay từ đầu mà theo họ là “phải đóng cửa hoàn toàn với Trung Quốc”-nơi bùng phát dịch bệnh! Đồng thời, ly gián lòng tin của nhân dân với Nhà nước, kích động nhân dân biểu tình…đổ lỗi cho “Chính phủ bưng bít thông tin, yếu kém trong xử lý dịch bệnh”...


Chính sự minh bạch và hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 ở giai đoạn 1 đã đập tan những luận điệu chống phá của các thế lực thù địch. Hiện nay, trước tình hình dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch xuyên tạc cơ chế, chính sách, các biện pháp phòng, chống dịch của Nhà nước, chia rẽ sự đoàn kết, làm mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Đơn cử như việc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 thì chúng xuyên tạc rằng: “Chống Covid-19, trong khi Mỹ cho người dân tiền còn Việt Nam lại huy động tiền của dân”. Hay một loạt những bài viết có tính xuyên tạc, bóp méo sự thật như: “Xin đừng nhìn diễn biến chống dịch virus Trung cộng ở Việt Nam bằng màu hồng”, “Khi China Virus nhập cảnh thiên đường XHCN Việt Nam”, “Khu cách ly Văn Lâm đang thiếu lương thực”...


Thực tế cho thấy, trong dòng chảy thông tin về dịch bệnh, rất nhiều người muốn được tham gia, thể hiện mình là người nhạy cảm với thời cuộc, có tác động đến xã hội. Có người lợi dụng sự nhẹ dạ của nhiều người đã phao tin nhảm, nhằm câu like, view... Họ chọn cách tung ra những thông tin sai, chưa kiểm chứng, thậm chí nguy hiểm, độc hại để gây hoang mang trong xã hội. Điều đáng lo là những tin tức  sai lệch, hỗn loạn trong dân chúng thì lại càng được lan truyền, chia sẻ nhanh. Các tin thất thiệt còn có khả năng tạo các tâm lý phản đối, mâu thuẫn trong xã hội, khiến người dân không tin tưởng vào các cơ quan chức năng, chính quyền, mất miềm tin với Đảng và Nhà nước. Vì vậy, mỗi người cần hết sức bình tĩnh, sáng suốt trong tiếp nhận và xử lý thông tin, không nghe theo, không lan truyền thông tin không xác thực, kịp thời thông báo đến cơ quan chức năng các trường hợp đăng tin bịa đặt, sai sự thật, qua đó góp phần ngăn chặn tin giả, đập tan những luận điệu chống phá của các thế lực thù địch.


Đức Phương

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ