A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sức nóng nghị trường

 

QPTĐ-Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã bế mạc, nhưng ấn tượng về một kỳ họp cận kề cuối năm vẫn còn đọng lại trong mỗi người dân và cử tri cả nước. Đặc biệt là chương trình chất vấn và trả lời chất vấn, tuy chỉ diễn ra trong khoảng thời gian 2,5 ngày, nhưng cảm giác về “sức nóng” của nghị trường bởi những vấn đề của cuộc sống, vẫn còn lan tỏa trong cộng đồng. 

Đó là những lĩnh vực tài chính, ngân sách, quản lý nợ công, hoạt động Ngành Ngân hàng tác động trực tiếp đến hiệu lực, hiệu quả của nền kinh tế, của hệ thống tài chính quốc gia. Đó là những vấn đề thiết thân, thiết thực như chuyện cơm áo, gạo tiền hàng ngày,  chuyện trường lớp, chuyện sách giáo khoa, chuyện học hành của con trẻ… Chuyện bão lũ, thiên tai miền Trung và các giải pháp căn cơ nhằm giảm bớt thiệt hại về người và tài sản cho người dân. Chuyện đối phó với những cơn bão đang rình rập ngoài biển Đông ngay cả khi Quốc hội đang họp…Ngần ấy những vấn đề qua 122  lượt đại biểu chất vấn và có tới 41 lượt đại biểu tranh luận, khiến các phiên chất vấn trở nên sôi động, thu hút sự quan tâm theo dõi của nhân dân cả nước. Cử tri đặc biệt ấn tượng với những câu hỏi chất vấn và tranh luận của đại biểu Ksor H'bơ Khắp về dự án pin năng lượng mặt trời, về diện tích rừng tự nhiên,  về thủy điện nhỏ... Những câu hỏi thẳng thắn, đi đến tận cùng vấn đề của đại biểu nữ trẻ tuổi đã nhận được nhiều sự cổ vũ của dư luận về trách nhiệm, trí tuệ và sự tâm huyết trước những vấn đề mà người dân quan tâm, người dân cần được giải đáp. Các đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên), Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) chất vấn về vấn đề sách giáo khoa-một vấn đề không nhỏ khi đã được đưa ra bàn thảo tại nghị trường. 

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: Internet)

Trong những ngày cuối kỳ họp, Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung, trong đó có nội dung về hai dự án luật được tách từ Luật Giao thông đường bộ hiện hành là Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm an toàn trật tự giao thông đường bộ. Dự Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong phạm vi điều chỉnh các quy định về quy tắc giao thông, có điểm mới là việc đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe, do Bộ Công an chủ trì, thay vì Bộ GTVT vẫn đang thực hiện như hiện nay. Nội dung  nay đã thu hút sự quan tâm không chỉ đối với các đại biểu Quốc hội dự kỳ họp thứ 10, mà còn là sự quan tâm của đông đảo người dân, nhất là những người đang hàng ngày, hàng giờ điều khiển phương tiện giao thông và cả những người đang có ý định tham dự các khóa đào tạo lái xe trên cả nước. 

Sau các buổi thảo luận tại tổ và tại hội trường, nhiều đại biểu đã bày tỏ quan điểm không đồng tình với việc tách Luật Giao thông đường bộ thành hai luật và không tán thành chuyển chức năng quản lý, đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an. Mặc dù Bộ trưởng Bộ Công an và ngay cả Bộ trưởng Bộ GTVT tham gia giải trình, làm rõ thêm việc cần thiết tách Luật Giao thông đường bộ thành hai và chuyển việc đào tạo lái xe sang Bộ Công an, cùng với nhiều ý kiến đồng thuận của đại biểu Quốc hội ngay trong nghị trường, nhưng khi lấy biểu quyết đã có 62,79% trên  tổng số đại biểu Quốc hội không đồng ý tách luật và 66,74% trên tổng số ĐBQH không đồng ý chuyển chức năng quản lý, đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an…

Sức nóng của nghị trường bởi các đại biểu Quốc hội đã chuyển tải được tâm tư, nguyện vọng của cử tri và sự kỳ vọng của người dân ngày càng cao vào cơ quan đại diện cho mình, cho thấy Quốc hội ngày càng gần dân, sát dân và được nhân dân tín nhiệm.

       PV
 


Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ