A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phòng chống dịch trên cả nước

 

QPTĐ-Tại cuộc họp Chính phủ tháng 4/2021, trước tình hình dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp ở trong nước và khu vực, đặc biệt là những diễn biến mới Covid-19 đang lây lan nhanh trong cộng đồng trong những ngày gần đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo, trước những diễn biến mới của dịch bệnh, chúng ta phải có cách tiếp cận mới, tư tưởng, quan điểm chỉ đạo mới, tạo cơ sở cho tổ chức thực hiện. Đó là tinh thần “chuyển trạng thái phòng chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công, song phải hài hòa giữa phòng ngự và tấn công”. Thủ tướng lưu ý, nguy cơ dịch bệnh là rất cao, có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Theo kinh nghiệm từ các đợt lây nhiễm trước, dịch bệnh lần sau khó khăn, phức tạp, diễn biến khó lường hơn lần trước, hậu quả nặng nề hơn, cách xử lý khó khăn hơn, tác động xấu hơn. Tuy nhiên, chúng ta phải chống 2 khuynh hướng, một là lơ là, chủ quan, mất cảnh giác và hai là hoảng sợ, hoang mang, dao động, hoặc cực đoan. Vì vậy, phải tỉnh táo, linh hoạt, sáng tạo trong điều hành, xử lý tình huống dựa trên thực tiễn.

Đảm bảo việc tiêm chủng Vaccine phòng, chống dịch. (Ảnh: Internet)

Theo công bố mới nhất, sáng 6/5, cả nước ghi nhận thêm 8 ca mắc Covid-19 lây nhiễm trong nước, nâng tổng số ca mắc cả nước lên 3.030 trường hợp. Bộ Y tế cho biết, 8 ca mắc mới đều là các bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh. Chỉ tính đến sáng 6/5, riêng Bệnh viện này đã ghi nhận 22 ca mắc Covid-19.  Điều rất đáng quan tâm là Bộ Y tế đã phát hiện biến thể virus Sars-CoV-2 thuộc chủng B.1.617.2 của Ấn Độ và  chủng B.1.1.7 của Anh đã xuất hiện trong những ca lây nhiễm trong cộng đồng tại Việt Nam. Biến thể Sars-CoV-2 của Ấn Độ được gọi là chủng virus biến thể kép, có khả năng lây lan nhanh và làm giảm hiệu quả của vaccine Covid-19. Đây là những thách thức mà như Thủ tướng nhận định, dịch bệnh lần sau khó khăn, phức tạp, diễn biến khó lường hơn lần trước, hậu quả nặng nề hơn, cách xử lý khó khăn hơn. Khó khăn và diễn biến của dịch bệnh còn phức tạp hơn bởi tâm lý chủ quan, lơ là, không chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh như Bộ Y tế khuyến cáo, nhất là trong đợt nghỉ lễ dài ngày vừa qua. Một bộ phận người dân hám lợi, đưa người nước ngoài  nhập cảnh trái phép, lưu trú bất hợp pháp tại Việt Nam.

Trước tình hình phức tạp của dịch bệnh, Thường trực Ban Bí thư yêu cầu thực hiện nghiêm 6 nhiệm vụ trọng tâm.  Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đến Đà Nẵng kiểm tra công tác phòng, chống dịch. Chủ tịch nước đề nghị  ngành Y tế phải chủ động các phương án để không xảy ra tình trạng bị động. “Nếu khủng hoảng ngành Y tế sẽ dẫn đến khủng hoảng nền kinh tế”, Chủ tịch nước nhấn mạnh. 

Thành phố Hà Nội yêu cầu tạm dừng đóng cửa các khu di tích, cơ sở tôn giáo; các quán ăn, uống đường phố, trà đá vỉa hè, cà phê vỉa hè. Sở GD-ĐT Hà Nội thông báo, học sinh các cấp trên toàn Thành phố sẽ nghỉ học tập trung từ ngày 4/5 cho đến khi có thông báo mới. Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã chỉ đạo dừng các dịch vụ văn hóa, giải trí, cơ sở kinh doanh dịch vụ, như: Massage, xông hơi, sự kiện thể thao tập trung đông người. Các tỉnh Vĩnh Phúc, Yên Bái, Hà Nam, Đà Nẵng… cũng đã triển khai công tác phòng chống dịch quyết liệt…Bộ Y tế vừa có Công điện hỏa tốc ngày 5/5, đề nghị các cơ quan Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố  tiếp tục quán triệt tinh thần chống dịch mức độ cảnh giác cao nhất, không được chủ quan, lơ là.. Yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định về cách ly tập trung và quản lý sau kết thúc cách ly phòng chống dịch Covid-19…

Tuy Việt Nam vẫn kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, nhưng nguy cơ vẫn tiềm ẩn. Nếu lơ là, chủ quan,  mất cảnh giác thì tình hình sẽ diễn biến phức tạp, hậu quả sẽ khó lường. Đây là cảnh báo chung dành cho tất cả mọi người dân.

PV
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ