Tích tụ ruộng đất
Có lẽ khái niệm khái quát nhất của tích tụ ruộng đất là một dạng tích tụ tư bản dưới hình thức hiện vật trong nông nghiệp. Người ta coi ruộng đất là tư liệu sản xuất chủ yếu không thể thay thế của sản xuất nông nghiệp. Do sản xuất mang tính sinh học, nên tích tụ ruộng đất nói riêng và tích tụ tư bản nói chung trong nông nghiệp khác hẳn với công nghiệp. Trong công nghiệp sẽ hình thành các doanh nghiệp khổng lồ, các tập đoàn đa quốc gia, đa sở hữu, đa ngành nghề, với cơ cấu nhiều tầng lớp (công ty mẹ với các công ty con, cháu)… Quy mô hoạt động trên phạm vi toàn cầu, tận dụng lợi thế tăng sức cạnh tranh, nâng cao hiệu quả kinh tế. Còn trong nông nghiệp thì lợi thế kinh tế theo quy mô của doanh nghiệp có giới hạn; tích tụ ruộng đất rất nhỏ so với ruộng đất để làm sân golf hay xây dựng nhà máy. Bởi vậy, nguy cơ lấy đất của nông dân do mở rộng qui mô trang trại là nhỏ hơn rất nhiều.
Nhờ tích tụ ruộng đất đã hình thành trang trại của tập đoàn TH True milk tại Nghĩa Đàn (Nghệ An).
Nơi này đạt kỷ lục với cánh đồng trồng nguyên liệu nuôi bò và một nhà máy chế biến sữa tươi sạch 500 triệu lít/năm.
Nhìn lại 30 năm đổi mới, nước ta từ thiếu ăn đã xuất khẩu nông sản hàng hóa. Tuy vậy, nền nông nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, như vẫn dựa trên quy mô hộ nhỏ lẻ, manh mún dẫn tới năng suất lao động, năng suất kinh tế và đời sống của bà con còn rất khó khăn. Chính sách được ban hành nhiều, nhưng một số chưa đi vào cuộc sống, còn nhiều bất cập, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp. Điều 129 Luật Đất đai quy định giới hạn hạn điền với sản xuất cây trồng ngắn ngày là 2-3 ha. Hiện nay, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân muốn kinh doanh, làm nông nghiệp quy mô lớn đều mong được sửa quy định này. Dường như vẫn có những lo lắng về khả năng tích tụ quá lớn ruộng đất của tư nhân, tập thể. Song qua thực tiễn, không thấy ai tích tụ quá nhiều bởi doanh nghiệp, người nông dân đều phải tính đến việc tổ chức sản xuất phù hợp với trình độ quản lý và công nghệ. Rồi lại lo người nông dân mất ruộng thì không có việc làm nhưng thực tiễn đã có mô hình 1 ha với 4-6 công nhân nông nghiệp, thu nhập 3-5 triệu đồng/tháng. Ở đâu nông dân tích tụ vài ba chục ha đất đều có thể sản xuất hàng hóa xuất khẩu được. Do đó cần xem lại các quy định để tạo ra vùng sản xuất nông nghiệp có quy mô thì mới phát triển được.
Sự phát triển thời gian qua của nông thôn, nông nghiệp đặt ra đòi hỏi có một chính sách vĩ mô vừa mang tính đột phá vừa thúc đẩy tạo ra bước phát triển mới về chất, để thực hiện công nghiệp hóa-hiện đại hóa trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Hầu hết các nhà nghiên cứu và quản lý cũng như nhiều hộ nông dân cho rằng, đó là chính sách tích tụ ruộng đất. Lý do là từ đó tạo ra các trang trại sản xuất nông sản hàng hóa quy mô lớn, hợp thành vùng sản xuất tập trung chuyên môn hóa, gắn với công nghiệp chế biến và mạng lưới phân phối tiêu thụ.
Cả về lý luận và thực tiễn đều khẳng định: Tích tụ ruộng đất (bằng cách mua, thuê đất đai) để lập trang trại sản xuất nông sản hàng hóa là một tất yếu khách quan của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo cơ chế thị trường. Nhưng không thể chấp nhận việc tích tụ ruộng đất dựa trên cơ sở đặc quyền, đặc lợi, phi thị trường.
Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2017, Chính phủ yêu cầu trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tư pháp rà soát, đề xuất sửa đổi chính sách đất đai, tạo thuận lợi cho tích tụ, tập trung ruộng đất, mở rộng hạn điền cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn trong quý III năm 2017. Đồng thời, nghiên cứu sửa đổi quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất, hướng dẫn chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp...
Đi liền với quá trình đó là xử lý các điểm nghẽn: Xây dựng tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, danh mục công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp và tiêu chí xác định nông nghiệp sạch; tạo nguồn vốn huy động của các ngân hàng để thực hiện chương trình cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch với lãi suất phù hợp; hướng dẫn về giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp, như nhà kính, nhà lưới…
Song trước hết và quan trọng nhất vẫn là tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về đất đai cho nông dân và doanh nghiệp, liên quan tới hạn điền, thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, việc chuyển đổi cây trồng hằng năm từ lúa sang các loại cây khác…
HOÀNG HƯƠNG