A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thành cổ Sơn Tây – nơi hội tụ các giá trị trường tồn với thời gian

QPTĐ-Thành cổ Sơn Tây vốn được nhiều người biết đến bởi những giá trị văn hóa lịch sử quý báu gắn với vai trò là trung tâm của một vùng xứ Đoài, án ngữ phía Tây thành Thăng Long một thời. Nó đã khẳng định vai trò, vị trí về các yếu tố: Kinh tế, quân sự, văn hóa, giao thương của một vùng địa lý dân cư đa dạng, rộng lớn. Văn hóa xứ Đoài là một cực quan trọng trong sự tồn tại, phát triển chung của văn hóa Thăng Long xưa và Thủ đô Hà Nội ngày nay.

Thành cổ đá ong Sơn Tây đã có niên đại 200 năm tuổi (1822 – 2022), ra đời thời Vua Minh Mạng năm thứ 3 (1822). Triều Nguyễn đã phải phái cử các quan lại của vùng lần tìm, lựa chọn đến lần thứ 3 mới tìm được vị trí, thế đất thuận hòa thiên – địa – nhân  để xây thành.

Tòa thành đá ong được xây dựng theo lối kiến trúc Vauban (một kỹ sư công binh sau này là thống chế của nước Pháp) hội tụ các yếu tố và tính chất của một thành quân sự kiên cố với các công trình quân sự, phòng thủ, nhà làm việc, kỳ đài, tường thành, tứ cổng, nhà đốc học, kho vũ khí, nơi ở của quan lại và binh lính cùng gia đình họ, và còn có cả trại giam…

Thành cổ Sơn Tây.

Thành cổ Sơn Tây đã từng tồn tại và còn được gọi là Trấn sở của tỉnh Sơn Tây từ năm 1831. Thành có 61 năm tồn tại dưới các triều Vua nhà Nguyễn (1822 – 1883) trước khi bị Đội quân viễn chinh Pháp tấn công. Sau ba lần hành binh từ Hà Nội theo đường thủy và đường bộ lên công phá thành, quân Pháp mới hạ được thành bằng sức mạnh khí tài và kinh nghiệm chiến đấu cùng với chiến thuật âm mưu vượt trội. Ngoài giá trị to lớn về vị trí phòng thủ quân sự, trung tâm phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của cả vùng (ngày nay, gần cổng Bắc Thành còn có Tòa giám mục Hưng Hóa cũng là địa điểm đầu não cho hoạt động Công giáo của các tỉnh vùng Tây Đông Bắc rộng lớn). Thành cổ Sơn Tây với những công trình cũ từng hiện hữu quy mô, bề thế đã minh chứng cho sức lao động, sáng tạo cần cù của nhân dân, sỹ phu, binh lính trong và ngoài vùng xứ Đoài này. Chính vì thế, vào năm 1924, toàn quyền Đông Dương đã ra nghị định xếp hạng các hạng mục trong Thành cổ, trong đó có tòa Vọng Cung là di sản văn hóa xứ An Nam và giao cho Trường Viễn đông Bác cổ quản lý, nghiên cứu.

Một góc của Thành cổ Sơn Tây.

Với tổng diện tích là 20ha, trong đó có 16ha mặt đất, 4ha mặt nước hào (hào có chiều dài 1.795m, chạy vòng xung quanh Thành, cống dẫn nước vào hào được lấy từ sông Hồng, cống thoát nước ra được mở và đẩy ra sông Tích). Thành cổ Sơn Tây có hình tứ giác, với chu vi là 1.394m. Mặc dù trước khi được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa vào năm 1994, các hạng mục công trình trong di tích Thành cổ hầu như không còn mà nhìn vào đó chỉ là những dấu tích nền móng cũ (công trình cũ còn lại qua năm tháng là hai chiếc cổng cổ Tây và Nam môn, hai giếng ngọc cùng hệ thống cây xanh, thảm cỏ). Đến thời điểm này, đã có một số hạng mục trong và ngoài di tích được Nhà nước đầu tư phục dựng theo mô hình cũ như: Vọng Cung, Kỳ đài, khuôn viên, Đoan môn, bức tường đá ong xung quanh ba chiều cổng Tây – Nam – Bắc và hệ thống tường, vỉa hè bằng đá xanh. Nguồn sử liệu về Thành cổ cũng được nhiều học giả, nhân dân ở trong và ngoài thị xã cung cấp cho địa phương để phục vụ cho công tác quản lý, bảo tồn, tôn tạo di tích. Kể cả các tư liệu của người Pháp để lại thông qua quá trình hành binh lên vùng Sơn Tây thời đó.

Có thể khẳng định rằng: Thành cổ Sơn Tây còn tồn tại nguyên vẹn về không gian cho đến ngày nay, từ các khu phố náo nhiệt xung quanh, đi qua hào nước (2 cổng) là khu di tích có niên đại 2 thế kỷ, một khu rừng tĩnh lặng, thoáng mát giữa lòng thành phố, di sản được bao bọc, che phủ bốn mùa xanh lá, đó là sự đóng góp chung tay rất lớn của cộng đồng dân cư.

Đến với Thành cổ, mỗi người như được hồi tưởng, chiêm ngưỡng một tòa thành độc đáo có các giá trị nổi bật về kiến trúc, niên đại, mỹ thuật, vị trí, kỹ thuật xây dựng thành. Đá ong là loại vật liệu chính để xây dựng khác với các Thành khác ở Bắc Kỳ thời đó được xây dựng bằng gạch đất nung hay đá xanh. Trải qua các giai đoạn, các công trình trong Thành tiếp tục được củng cố, đáng lưu ý là trong Thành còn thiết kế cả một đoạn đường, người ta gọi là “tượng đạo” (đường voi đi). Có một con voi của vị Tổng đốc Sơn Tây đã được lưu truyền lại bằng những câu chuyện rất xúc động giữa nó và chủ trong cuộc chiến bảo vệ Thành.

Một góc khác tại Thành cổ Sơn Tây.

Ngoài ra, trong Thành cổ Sơn Tây còn ẩn chứa những nguồn tài nguyên quý giá như: Mạch nước giếng khoan từ vỉa đá ong phía Nam được người Pháp thăm dò, phát hiện từ năm 1932, sau đó đã cho xây dựng trạm bơm nước để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của nhân dân xung quanh Thành cổ, đặc biệt hơn cả là hàng vạn loài sinh vật lớn nhỏ sinh sống, phát triển gồm cả động vật, thực vật từ các bậc, loài khác nhau như: Trên mặt đất, trong lòng đất, dưới hào nước. Đất trong Thành chắc phải có nhiều yếu tố dinh dưỡng mới tiếp thêm nguồn sinh lực để cho muôn loài cây phát triển, có những cây quý, ngoài yếu tố bóng mát, tạo môi trường tốt còn được người dân lấy về làm thuốc chữa bệnh, màu xanh bốn mùa của các loài cây to nhỏ đã được ví như một túi ô xy khổng lồ tạo cân bằng không khí trong lành cho một cộng đồng dân cư lớn sinh sống xung quanh Thành cổ. Ngoài những giá trị vật thể mà du khách thường được thưởng ngoạn trực quan thì di sản quý báu này còn có những giá trị văn hóa phi vật thể vô hình khác mà ai đó phải có giác quan, có thời gian và khiếu cảm thụ nghệ thuật mới khám phá được: Thông qua rất nhiều loại hình nghệ thuật đã được các văn nghệ sỹ và nhân dân sáng tác một cách tỷ mỷ, công phu, đó là các bài thơ, bản nhạc, bức họa, tấm hình; thông qua tiếng ve kêu, tiếng gió thổi, các loài hoa khoe sắc, làn sương sớm bao phủ mặt hào, sự hòa quyện giữa con người và thiên nhiên…

Thành cổ Sơn Tây đã trở thành điểm du lịch văn hóa quý thu hút đông đảo du khách mỗi khi về với Sơn Tây phải luôn tìm đến. Đó là địa chỉ đỏ trong vùng văn hóa xứ Đoài cửa ngõ phía Tây Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Nguyễn Trọng An

Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ