A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Để nông thôn là nơi đáng sống

 

QPTĐ-Ngày 28/7, tại Kỳ họp thứ Nhất Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua 2 Nghị quyết Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Theo đó, Quốc hội chủ trương tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và nông thôn mới cấp thôn, bản. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, thúc đẩy bình đẳng giới. Xây dựng hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Thời gian thực hiện Chương trình là từ năm 2021 đến hết năm 2025. Đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, Quốc hội về xây dựng NTM trong giai đoạn mới.    

Ảnh minh họa: Internet

Trước đó, giải trình tại phiên thảo luận của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan cho biết mục tiêu cuối cùng của chương trình xây dựng NTM là đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống, nơi đáng đến, là nơi để quay về. Bộ trưởng đã mô tả hình ảnh đầy cảm xúc hàng trăm nghìn người từ thành phố về nông thôn để tránh dịch, điều đó gợi mở cho chúng ta về nông thôn trong thời gian sắp tới. Bộ trưởng phân tích, “Nếu 5 năm sau cũng chỉ trồng lúa như 5 năm trước, không kết nối người sản xuất với thị trường thì không thể nâng cao thu nhập gấp 1,5 lần. Do đó, sự bền vững, giá trị mới của chương trình là tiếp tục phát triển hạ tầng, gắn kết tái cơ cấu ngành nông nghiệp với chương trình xây dựng NTM". Bộ trưởng cho biết, Thủ tướng vừa chỉ đạo ngành xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, lấy kinh tế nông thôn làm nền tảng, vì vậy chiến lược tới đây sẽ tập trung tái cơ cấu ngành, nâng cao thu nhập người dân trên cơ sở triển khai mô hình nông nghiệp mới như nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, bảo quản sau thu hoạch, tăng chế biến, gắn yếu tố văn hóa...Nhiều chương trình vừa qua thực hiện đều thiên về xây dựng hạ tầng, cầu đường, trụ sở, trạm… mà thiếu quan tâm điều kiện nâng cao thu nhập và chất lượng sống của người dân thông qua sinh kế, do đó, vấn đề quan trọng là phải tạo tính bền vững thu nhập, sinh kế cho người dân. Cụ thể là phải gắn kết được cơ cấu lại ngành Nông nghiệp với Chương trình xây dựng NTM, trong đó cơ cấu lại nông nghiệp chính là động lực để xây dựng nông thôn mới, là nền tảng và nông dân là chủ thể trong ba trụ cột nông nghiệp-nông thôn-nông dân. Người nông dân với tư cách là chủ thể phải được tiếp cận với ánh sáng tri thức, tiếp cận với cái mới, biết hợp tác với nhau, biết làm chủ vận mệnh của mình. “Xây dựng nông thôn mới cũng cần có nền tảng từ người nông dân thì mới bền vững”- Bộ trưởng khẳng định. Ngoài ra, trong nội dung ý kiến giải trình của mình, Bộ trưởng cũng đặt vấn đề về các giá trị mới trong mô hình NTM như xây dựng bản sắc văn hóa, hồn cốt của nông thôn. Bộ trưởng cho rằng, chính đội ngũ lãnh đạo ở xã, mới đóng vai trò quyết định sự thành công vì chỉ có cán bộ lãnh đạo xã mới là người gần gũi, thường xuyên hằng ngày với bà con để thấu cảm, tìm những điểm nghẽn, điểm khó trong sản xuất, trong kinh doanh, trong kết nối thị trường, thay đổi những tập quán của bà con để tiếp cận được những giá trị mới của Chương trình. 

Hữu Văn 
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ