A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xây dựng nông thôn mới thông minh

 

QPTĐ-Sau 10 năm thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt những kết quả và thành tựu nổi bật. Tuy nhiên, vẫn có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là về thu hẹp khoảng cách về thu nhập và hưởng thụ dịch vụ giữa người dân nông thôn và đô thị, khó khăn về kết nối tiêu thụ nông sản, đảm bảo an toàn thực phẩm, chưa phát huy hết các tiềm năng và dư địa của nông nghiệp, nông thôn. 

Trong bối cảnh chuyển đổi số là xu hướng tất yếu trên toàn thế giới, việc ứng dụng công nghệ số, hệ thống cơ sở dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo là những giải pháp mang tính đột phá để có thể giải quyết những khó khăn, nút thắt trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam.

Xây dựng nông thôn mới thông minh là xu thế tất yếu. (Ảnh: Internet)

Tiềm năng chuyển đổi số

Đưa chuyển đổi số vào nông nghiệp nói chung và xây dựng nông thôn mới nói riêng là chủ trương của Chính phủ trong suốt 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia này. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới để phát huy hết các tiềm năng của nông nghiệp, nông thôn. Là một chủ trương lớn, nhưng việc chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới còn hạn chế, manh mún và mang nặng tính tự phát của các cơ quan, đơn vị hoặc các địa phương, doanh nghiệp. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 ở nông thôn còn thấp (dưới 10%). Yếu tố quan trọng nhất, là xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về quản lý dân cư, đất đai còn thiếu.

Với mục tiêu thúc đẩy quá trình số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng nông thôn mới, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành của chương trình quốc gia về nông thôn mới, cải thiện phương thức hiệu quả sản xuất kinh doanh của nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, đề án chuyển đổi số nông thôn mới xây dựng 4 mục tiêu cụ thể đến năm 2025. Bao gồm: Xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, và một Bộ Tiêu chí quốc gia về nông thôn mới thông minh giai đoạn 2026-2030 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tiềm năng chuyển đổi số của Việt Nam rất lớn. Cơ sở hạ tầng công nghệ đang phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, phục vụ an ninh-quốc phòng. Hiện Việt Nam có khoảng 70% dân số sử dụng điện thoại di động, trong đó có 64% các thuê bao có kết nối 3G và 4G, trong đó mạng 4G đã phủ sóng khoảng 95% địa bàn các xã trên cả nước.

Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng kỹ thuật trên cả nước thiếu đồng bộ, gây khó khăn cho việc kết nối liên thông giữa các bộ, ban, ngành và các tỉnh, thành phố. Mức độ phổ cập đối với các dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông chủ yếu tập trung ở thành thị, thậm chí đạt tới mức bão hòa ở nhiều nơi. Trong khi, các dịch vụ này ở vùng nông thôn, nơi chiếm hơn 70% dân số, còn thấp và nghèo nàn.

Giải pháp trọng tâm và dự án ưu tiên

Trong chương trình nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, cần thiết phải xây dựng “Đề án chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới”, hướng tới nông thôn mới thông minh để có được cách tiếp cận tổng thể và toàn diện, đặt chuyển đổi số và xây dựng nông thôn mới thông minh là một số xu hướng tất yếu, đề xuất các hoạt động cần thiết và tổ chức triển khai hiệu quả, hợp lý. Hướng tới 3 tiêu chí của chuyển đổi số trong nông thôn mới là nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương quyết tâm ứng dụng chuyển đổi số cho ngành.

Để thực hiện được các mục tiêu chuyển đổi số nông thôn mới, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương đề xuất nhóm giải pháp trọng tâm. Thứ nhất, phát triển nền tảng cho chuyển đổi số. Quá trình này chủ yếu là nâng cao nhận thức, năng lực chuyển đổi số cho cán bộ toàn ngành Nông nghiệp, cán bộ chương trình nông thôn mới và cộng đồng dân cư. Thứ hai, hoàn thiện chính sách và thể chế. Thứ ba, phát triển hạ tầng số và dữ liệu số. Đây là những giải pháp được đặc biệt lưu ý, khi liên quan tới chuẩn hóa dữ liệu và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu kết nối đồng bộ và liên thông. Trên cơ sở này, nền tảng dữ liệu lớn (Big data) được hình thành để tiến tới xây dựng bản đồ số nông nghiệp.

Với tổng nguồn vốn dự kiến để triển khai chương trình giai đoạn 2021-2025 là 3.000 tỷ đồng, có 6 dự án được ưu tiên thực hiện. Đó là: Thiết kế xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu số của Chương trình nông thôn mới. Ứng dụng trực tuyến phục vụ công tác lập kế hoạch và báo cáo kết quả thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới các cấp. Ứng dụng chuyển đổi số hỗ trợ chương trình OCOP. Ứng dụng chuyển đổi số phát triển du lịch cộng đồng. Thí điểm mô hình làng/xã thông minh tại các địa phương. Đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý về chuyển đổi số trong chương trình nông thôn mới.

Đề án “Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh trong giai đoạn 2021-2025” xác định người dân, hợp tác xã và doanh nghiệp nông nghiệp là trung tâm thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, chuyển đổi số là động lực và công cụ mới để nâng cao hiệu quả hoạt động của chương trình xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2021-2025.

Triển khai thực hiện Đề án, giai đoạn 2021-2023, dự kiến sẽ triển khai thực hiện các dự án ưu tiên. Giai đoạn 2024-2025, sẽ tổng kết các mô hình thí điểm về làng, xã thông minh tại một số tỉnh và rút ra bài học kinh nghiệm. Bổ sung, chỉnh sửa bộ tiêu chí về làng, xã thông minh phù hợp với nhu cầu và xu thế phát triển của nông thôn mới Việt Nam trong giai đoạn 2026-2030.

Để triển khai công tác chuyển đổi số, cần xác định cần thu hút các nguồn lực khác nhau, đặc biệt là thu hút doanh nghiệp tư nhân đầu tư và ứng dụng công nghệ số để đảm bảo đạt được mức độ chuyển đổi số toàn diện trong xây dựng nông thôn mới trong tất cả các khâu, từ sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống nông thôn, xây dựng hạ tầng, giáo dục-đào tạo, y tế, an ninh-quốc phòng, bảo vệ môi trường, phát triển văn hóa-xã hội.

Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của xã hội. Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới là một đề án mới. Phương thức tiếp cận chuyển đổi số sẽ làm thay đổi nhận thức của người dân, cũng như tạo ra một bộ mặt nông thôn mới trong tương lai.

Song Hà
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ