A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kỳ vọng phục hồi kinh tế trong năm 2022

 

QPTĐ-Năm 2021, làn sóng lần thứ tư của dịch Covid-19 khiến nền kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều doanh nghiệp đối mặt với khó khăn, phá sản khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy. Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn đạt và vượt một số chỉ tiêu kinh tế, với Tổng sản phẩm nội địa (GDP) tăng 2,58%; xuất, nhập khẩu về đích với con số kỷ lục 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế; xuất siêu khoảng 4 tỷ USD; thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 31,15 tỷ USD, tăng hơn 9,2 tỷ USD so với năm 2020.

Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6.0-6.5% năm 2022. (Ảnh: Internet)

Năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Mục tiêu là phục hồi và phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu đạt mục tiêu của giai đoạn 2021-2025: tăng trưởng GDP bình quân 6,5-7%/năm; chỉ tiêu nợ công dưới mức cảnh báo Quốc hội cho phép; tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người dân; phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 là 6-6,5% cũng có nghĩa nhiệm vụ sẽ nặng nề hơn. Việt Nam vẫn đứng trước một số điểm nghẽn, nút thắt trong phục hồi và phát triển kinh tế. Tổng cầu của nền kinh tế giảm sâu; áp lực lạm phát trong năm 2022 đối với kinh tế Việt Nam cũng đang hiện hữu bởi giá nguyên vật liệu, hàng hóa và dịch vụ thế giới tăng cao; giá dầu thô còn tiếp tục tăng trong những năm tới trong khi nguồn cung hạn chế. Tuy nhiên, với sự đồng lòng và quyết tâm cao, nền kinh tế sẽ phục hồi, tăng trưởng mạnh hơn trong năm 2022.

Những tín hiệu tích cực 

Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 2/2022 được Ngân hàng Thế giới công bố ngày 17/2/2022 cho thấy, nền kinh tế Việt Nam đã có nhiều tín hiệu phục hồi tích cực từ đầu năm 2022. Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng, tuy với tốc độ chậm hơn và không đồng đều giữa các ngành. Sản xuất các sản phẩm kim loại, may mặc và giày da đạt tốc độ tăng trưởng trên 10%. Chỉ số PMI ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng rõ rệt từ 52,5% trong tháng 12/2021 lên 53,7%, là mức cao nhất kể từ tháng 5/2021, cho thấy điều kiện kinh doanh đã được cải thiện đáng kể.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ghi nhận tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần tăng trưởng dương đầu tiên kể từ tháng 5/2021. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2022 tăng 6,7% so tháng trước và 1,3% so cùng kỳ năm trước. Chỉ số này phục hồi nhờ nhu cầu tiêu dùng, đặc biệt là đối với hàng hóa được đẩy mạnh khi các hộ gia đình chuẩn bị cho kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Tăng trưởng nhập khẩu vẫn được duy trì vững chắc ở tốc độ 11,3%. Dù xuất khẩu giảm tốc nhưng cán cân thương mại hàng hóa vẫn thặng dư 1,4 tỷ USD.

Một tín hiệu tích cực nữa trong tháng 1/2022 là cam kết và giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có khởi đầu mạnh mẽ năm 2022. Việt Nam thu hút 2,1 tỷ USD vốn FDI đăng ký trong tháng 1/2022, tăng 4,2% so cùng kỳ năm trước. Mức tăng trên có được nhờ các dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư lớn, đặc biệt trong ngành điện tử và nhờ hoạt động mua lại và sáp nhập sôi động. Giá trị góp vốn, mua cổ phần trong tháng 1/2022 tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, đạt trên 400 triệu USD (tương đương 20% tổng vốn FDI đăng ký). Vốn đăng ký chủ yếu vẫn là vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (gần 60%), tiếp theo là bất động sản (22,5%). Sau khi giảm mạnh trong quý III/2021, giải ngân các dự án FDI đã được phê duyệt tiếp tục phục hồi với tốc độ tăng trưởng 6,8% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng 1/2022.

Triển vọng kinh tế năm 2022

Ngày 18/2/2022, Bộ Ngoại giao và Ngân hàng Standard Chartered phối hợp tổ chức Tọa đàm “Triển vọng kinh tế năm 2022 và Chính sách Tài chính xanh” tại Hà Nội. Tại sự kiện, các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Standard Chartered chia sẻ những nhận định về triển vọng kinh tế toàn cầu và Việt Nam, đồng thời thảo luận về chủ đề Tài chính xanh và kiến nghị chính sách đối với Việt Nam. 

Theo ông Edward Lee-Chuyên gia kinh tế trưởng, khu vực ASEAN và Nam Á, Ngân hàng Standard Chartered, nền kinh tế Việt Nam đã có mức phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021 nhờ quá trình tiêm chủng vaccine được thúc đẩy và các gói kích thích của chính phủ. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ và tài khóa thắt chặt, sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng toàn cầu và lạm phát gia tăng có thể sẽ ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của nền kinh tế trong năm 2022. 

Ông Tim Leelahaphan-Chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered cho rằng, nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022, bắt đầu từ cuối quý I. Tốc độ tăng trưởng dự kiến sẽ đạt 6,7% trong năm 2022 và 7% trong năm 2023. Triển vọng trung hạn của Việt Nam duy trì tích cực. Việt Nam sẽ tiếp tục là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và là một điểm đến được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Hoạt động đầu tư vào Việt Nam dự kiến sẽ phục hồi trong năm 2022 sau một thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Bà Michele Wee-Tổng Giám đốc, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam-nhấn mạnh: “Kinh tế Việt Nam đang trong quá trình phục hồi và chúng ta đang sống chung với dịch Covid-19. Trong một cuộc khảo sát do Standard Chartered thực hiện gần đây, các khách hàng đều cho rằng, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng tăng trưởng và thu hút đầu tư. Việt Nam đang đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong hoạt động thương mại quốc tế và chuỗi cung ứng toàn cầu”. 

Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương khẩn trương hoàn thành tiêm vaccine phòng Covid-19 cho toàn dân trong độ tuổi tiêm chủng. Kết hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, hỗ trợ doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể. Phát huy lợi thế so sánh và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa, giảm áp lực lạm phát. 

Song Hà
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ