A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nỗ lực vượt khó phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội

 

QPTĐ-Tháng 7, đại dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam; 20 tỉnh, thành trong cả nước thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, điều đó đã ảnh hưởng lớn đến nhiều hoạt động kinh tế-xã hội,  đời sống người dân, nhất là người lao động tự do, lao động trong các khu công nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Công nghiệp chế tạo vượt khó để duy trì tăng trưởng. (Ảnh: Internet)

Nỗ lực vượt khó

Tháng 7 năm 2021, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á. Biến chủng mới của vi rút SARS-CoV2 đã làm dịch bệnh bùng phát mạnh, nhanh, trên diện rộng, khó kiểm soát. Đặc biệt, dịch đã xâm nhập sâu vào một số khu công nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, qua đó ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Tính đến hết ngày 31/7, cả nước ghi nhận hơn 140 nghìn ca nhiễm Covid-19, trong đó, riêng Thành phố Hồ Chí Minh là gần 100 nghìn ca. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Hà Nội và 19 tỉnh, thành phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Điều đó đã tác động lớn đến các hoạt động kinh tế-xã hội. 

Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, kịp thời về công tác phòng chống dịch bệnh; chỉ đạo đề ra các chính sách, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cân bằng cán cân thương mại và bảo đảm đời sống của nhân dân. 

Sản xuất nông nghiệp và thủy sản diễn ra trong điều kiện thời tiết thuận lợi, các hoạt động đều có mức tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, các địa phương trên cả nước tập trung đẩy nhanh tiến độ gieo cấy lúa mùa, chăm sóc lúa hè thu và thu hoạch lúa hè thu sớm, bảo đảm gieo trồng và thu hoạch trong khung thời vụ tốt nhất. Ngành chăn nuôi phải đối mặt với khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao và dịch bệnh đang diễn ra tại một số địa phương; dịch Covid-19 bùng phát trở lại ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường tiêu thụ sản phẩm chế biến lâm sản, thủy sản xuất khẩu.

Sản xuất công nghiệp tháng 7/2021 ước tính tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng giảm 8%; ngành chế biến, chế tạo tăng 2,9%; sản xuất và phân phối điện tăng 6,7%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,4%. Tính chung 7 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều so với mức tăng 2,6% của cùng kỳ năm 2020 và thấp hơn mức tăng 9,4% của cùng kỳ năm 2019. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,9%, đóng góp 8,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung và vẫn là động lực của tăng trưởng.

Số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 7 giảm 22,8% so với tháng trước và giảm 33,8% so với cùng kỳ năm 2020, đồng thời, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới cũng giảm tương ứng 25,3% và giảm 48,7%. Tính chung 7 tháng năm 2021, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế là 2.432,1 nghìn tỷ đồng, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 tiếp tục có tác động lớn tới các ngành dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống, vận tải, hàng không… Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Bảy giảm 8,3% so với tháng trước và giảm 19,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng nhẹ 0,7%. Tốc độ tăng kim ngạch xuất, nhập khẩu 7 tháng đã giảm đáng kể so với tốc độ tăng 6 tháng đầu năm. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 7/2021 ước tính đạt 55,7 tỷ USD, tăng 1,5% so với tháng trước. Tuy nhiên, tính chung 7 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước tính vẫn đạt ở mức cao, đạt 373,36 tỷ USD, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm trước. 

Cần giải pháp đồng bộ

Dịch Covid-19 tái bùng phát trở lại đã ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống nhân dân và hoạt động của doanh nghiệp. Trước tình hình đó, Chính phủ,    Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo kịp thời nhằm đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với tổng gói hỗ trợ là 26 nghìn tỷ đồng. Ngoài các gói hỗ trợ của Chính phủ, nhiều tỉnh, thành phố cũng đã sử dụng một phần kinh phí ngân sách địa phương để hỗ trợ các nhóm yếu thế, người lao động... do vậy, đời sống của người dân cơ bản ổn định.

Trong thời gian tới, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, khó kiểm soát, nhất là tại các khu công nghiệp, ảnh hưởng đến nhiều hoạt động kinh tế-xã hội, nhất là tại các trung tâm kinh tế lớn của đất nước. Các ngành dịch vụ, du lịch, vận tải, hàng không… tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề. Việc thực hiện “mục tiêu kép” vừa phát triển kinh tế, vừa bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch là nhiệm vụ rất khó khăn. Do đó, nhiệm vụ trọng tâm của các bộ, ngành, địa phương trong tháng 8 và những tháng tiếp theo là tiếp tục đề cao trách nhiệm, bám sát tình hình, chủ động, quyết liệt, hành động thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Trong đó, nhiệm vụ trước mắt là tập trung phòng, chống dịch Covid-19 quyết liệt, hiệu quả, thực chất hơn, thực hiện nghiêm các quy định đã đề ra, tổng kết, hoàn thiện, bổ sung các biện pháp phòng chống dịch phù hợp. Tiếp tục có chính sách để kịp thời, cụ thể, thiết thực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đề ra các giải pháp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, bảo đảm cung ứng, phân phối và lưu thông hàng hóa, nhất là hàng thiết yếu tại các địa phương có dịch. Xây dựng cơ chế, chính sách để huy động hiệu quả các nguồn lực theo phương châm lấy nguồn lực nhà nước kích hoạt, dẫn dắt các nguồn lực ngoài nhà nước. Kịp thời tháo gỡ các vướng mắc về thể chế, khơi thông các nguồn lực cho phát triển. Phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội…

Phương Linh
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ