A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển mạnh mẽ “tam nông” của Thủ đô

 

QPTĐ-Mặc dù Hà Nội là đô thị đặc biệt, là Thủ đô nhưng “tam nông”: Nông nghiệp, nông thôn và nông dân có ý nghĩa rất quan trọng với sự phát triển của Thành phố. Hiện nay, Hà Nội có 17 huyện, 1 thị xã và 6 quận vẫn còn sản xuất nông nghiệp. Số xã của Thành phố cũng nhiều nhất so với các tỉnh, thành phố trong cả nước (382 xã); tốc độ đô thị hóa cũng mới đạt trên 50%. Trong bối cảnh đó, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình 04 về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025". 

Mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở huyện Mê Linh mang lại hiệu quả kinh tế lớn.

Kết quả ấn tượng

Đánh giá kết quả xây dựng, phát triển về “tam nông” trong thời gian qua, Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII khẳng định: Diện mạo nông thôn thay đổi rõ nét; đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện rõ rệt.

Cụ thể, hạ tầng kinh tế, xã hội khu vực nông thôn được tăng cường đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây mới, tổng mức vốn huy động đầu tư hằng năm trên 8 nghìn tỷ đồng. Đường làng, ngõ xóm được kiên cố hóa, hệ thống thoát nước cơ bản đáp ứng yêu cầu; các công trình thủy lợi nội đồng được đầu tư xây dựng đảm bảo nhu cầu phục vụ sản xuất; nâng cấp và xây dựng các trường học, nhà văn hóa thôn đảm bảo nhu cầu giảng dạy, học tập và sinh hoạt của cộng đồng. Đặc biệt, hệ thống các trường học từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đến trung học phổ thông được quan tâm đầu tư xây dựng thành trường học đạt chuẩn quốc gia. Hầu hết các hộ dân có điện thoại, 100% các xã có kết nối internet.

Tính đến nay, toàn Thành phố có 7 huyện, thị xã; 367/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 96 %, trong đó có 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, là địa phương có số xã đạt chuẩn nông thôn mới cao nhất cả nước. Thành phố cơ bản hoàn thành việc dồn điền đổi thửa; tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân sau dồn điền đổi thửa đạt trên 99 %, làm cơ sở quan trọng để các hộ nông dân liên kết, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Chuyển đổi hơn 40 nghìn ha sang các mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Các lĩnh vực kinh tế nông thôn cũng đều có sự phát triển tích cực. Số sản phẩm của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã được công nhận là hơn 1.000 sản phẩm.

Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm mạnh. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ước đạt 55 triệu đồng, gấp 1,36 lần năm 2016. Cơ cấu thu nhập chuyển biến tích cực; tỷ trọng hộ gia đình có thu nhập ổn định từ sản xuất công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng lên. Các chỉ tiêu quan trọng về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân đạt kết quả tích cực như: Tỷ trọng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 30%; tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm thường xuyên trên 98%; tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau học nghề đạt 85%; tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt trên 75%; tỷ lệ người dân tham gia đóng bảo hiểm y tế đạt 90,1%; đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được nâng lên rõ rệt.

Đồng bộ giải pháp phát triển “tam nông”

Chương trình 04 xác định: Xây dựng nông thôn mới cần thực hiện thực chất hơn, thiết thực hơn, hiệu quả và bền vững hơn gắn liền với quá trình đô thị hóa, có điểm đầu nhưng không có điểm kết thúc, nông thôn mới phồn vinh, văn minh và hiện đại... Phấn đấu đến hết năm 2025 hoàn thành xây dựng nông thôn mới; 100% huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Hà Nội sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn liền với phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, hướng tới phát triển nông nghiệp thông minh, công nghệ cao, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Thành phố tập trung phát triển mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ theo chuỗi giá trị; thực hiện tốt việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, hoa, cây cảnh, cây công trình phục vụ dịch vụ nông nghiệp, đô thị... Ngoài ra, Hà Nội khuyến khích phát triển các mô hình xử lý nước thải; phát triển mô hình thôn, xóm sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, văn minh; bảo đảm an sinh xã hội đối với các gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo khu vực nông thôn.

Để đạt các mục tiêu trên, Hà Nội đưa ra hệ thống giải pháp trọng tâm. Cụ thể, đối với xây dựng nông thôn mới, Hà Nội nêu rõ 7 nhiệm vụ, giải pháp, trong đó có những giải pháp căn bản như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; rà soát, bổ sung quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; huy động các nguồn lực của Nhà nước và xã hội…

Đối với nhiệm vụ, giải pháp về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, Hà Nội chỉ ra 10 nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, việc cơ cấu lại các lĩnh vực sản xuất sẽ tập trung quản lý, sử dụng chặt chẽ đất đai; xây dựng chuỗi giá trị nông sản chủ lực; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất, chế biến, kinh doanh nông nghiệp; cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã…

Về nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân, Hà Nội triển khai 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng văn hóa, y tế, giáo dục, môi trường và an sinh xã hội, xây dựng miền quê đáng sống; đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách để huy động cao các nguồn lực, phát triển nhanh kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân…

Phương linh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ