A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

CUỘC THI VIẾT NÉT ĐẸP NGƯỜI CHIẾN SĨ THỦ ĐÔ

Người gìn giữ, lưu truyền giá trị vĩnh hằng-Khát vọng, lẽ sống, niềm tin

 

QPTĐ-Nghiên cứu, học tập Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tôi hết sức tâm đắc với nội dung "khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại" trong chủ đề Đại hội. Từ cảm xúc đó, tôi quyết định cầm bút viết về cựu chiến binh Lâm Văn Bảng-Giám đốc Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, người gìn giữ, lưu truyền những "giá trị vĩnh hằng-khát vọng, lẽ sống, niềm tin" truyền lại cho các thế hệ mai sau. 

Cựu chiến binh Lâm Văn Bảng giới thiệu một khu trưng bày tại Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày.

 

Cựu chiến binh Lâm Văn Bảng sinh năm 1943, ở xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội; nhập ngũ năm 1965; bị địch bắt và giam ở nhà lao Biên Hòa rồi đày ra Phú Quốc năm 1968. Năm 1973, đồng chí Bảng được trao trả theo Hiệp định Paris.

Trở về đời thường, nhưng những thanh âm não nề, thảm thiết và hình ảnh những đồng đội bị địch tra tấn bằng những ngón đòn man rợ như văng vẳng bên tai và hiển hiện trước mắt. Nhiều đồng đội hy sinh, khi tìm được mộ phần thì cũng không biết đưa về đâu thờ tự, bởi bố, mẹ, người thân không còn. Điều đó luôn ám ảnh và và thôi thúc đồng chí Bảng làm gì đó để tri ân đồng đội và nhắc nhở cho mọi người hiểu rõ khát vọng, lẽ sống, niềm tin-những giá trị vĩnh hằng giúp các chiến sĩ cách mạng vượt qua gian khổ, hy sinh, góp phần vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc.

Năm 1985, khi phát hiện một quả bom ở cầu Giẽ, đồng chí Bảng nhờ chuyên gia tháo kíp, lấy thuốc nổ rồi mang vỏ về trụ sở Hạt và viết dòng chữ: "Cô gái suối Hai, chàng trai cầu Giẽ". Những ngày sau, thấy nhiều người đứng xem vỏ bom, đồng chí Bảng nảy sinh ý tưởng thành lập Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày. Được sự động viên, cổ vũ của đồng đội, đồng chí Bảng dành thời gian đi sưu tầm các hiện vật, kỷ vật chiến tranh. Để có kinh phí và không gian trưng bày, đồng chí Bảng vận động gia đình hiến ngôi nhà 2 tầng cùng khu đất hơn 2.000 m2. Sau đó lại bán cả nhà, cả một lô đất ở Phủ Lý để mua thêm phần đất và cơ sở vật chất cho Bảo tàng. Có những lúc khó khăn tưởng như không thể vượt qua. Song, ý chí và công sức của đồng chí Bảng được đền đáp, ngày 19 tháng 12 năm 2004, Phòng truyền thống được khai trương. Các đồng chí Giám đốc Sở Văn hóa Hà Tây, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa đến thăm Phòng truyền thống và gợi ý làm hồ sơ để thành lập bảo tàng ngoài công lập. Từ đó, đồng chí Bảng dành thời gian đi thăm các bảo tàng ở Hà Nội để nghiên cứu, học tập. Đến ngày 11 tháng 10 năm 2006, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày chính thức được thành lập.

Hơn 5.000 hiện vật, kỷ vật trong Bảo tàng đều là "xương", là "máu" của đồng đội. Đặc biệt, có lá cờ Đảng vẽ bằng máu của các đồng chí, đồng đội  và bảo quản, giữ gìn như báu vật để treo lên trong những ngày lễ lớn, trong ngày kết nạp đảng viên nơi chốn lao tù. Để đưa được hai lá cờ vào Bảo tàng, đồng chí Bảng cùng anh em phải đi xe đạp lặn lội đến tỉnh Bắc Giang, đến xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai mười mấy lần và kiên trì thuyết phục. Đồng chí Bảng nói với người giữ cờ: "Nếu anh giữ lá cờ Đảng quý báu này thì chỉ mình anh và gia đình anh biết. Nhưng khi tôi đem về phòng truyền thống trưng bày thì sẽ có nhiều người biết đến. Đây còn là một trong những việc làm để báo cáo với Đảng, Quân đội, nhân dân về những chiến sĩ cách mạng trung thành, bất khuất, kiên trung và để giáo dục truyền thống cho thế hệ mai sau". Mỗi hiện vật, kỷ vật ở Bảo tàng đều chứa đựng trong đó những câu chuyện sống động, bi hùng về cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ cách mạng nơi ngục tù. 

Lời nhắn gửi qua những vần thơ của đồng chí Bảng ở phòng trưng bày và Đền thờ Anh hùng liệt sĩ khiến bao người ngậm ngùi, xúc động:

“Xin quý khách nhẹ chân một chút
Trong khu này có hồn của bạn tôi
Bao lớp người máu đổ xương rơi 
Dâng Tổ quốc để đời đời hạnh phúc” 

Bảo tàng đã, đang trở thành điểm đến của nhiều đoàn khách quốc tế và trong nước. Với những kỷ vật, hiện vật được trưng bày, sắp xếp khoa học, đặc biệt những người thuyết minh giới thiệu đều là những nhân chứng sống đã tái hiện sinh động lịch sử, có tác dụng giáo dục sâu sắc cho thế hệ hôm nay và mai sau về lòng tự hào, tự tôn dân tộc.

Để duy trì hoạt động, mỗi ngày Bảo tàng được Nhà nước hỗ trợ khoảng hơn sáu trăm nghìn đồng. Đồng chí Bảng cùng các đồng đội làm việc ở Bảo tàng đều tự nguyện, tự góp gạo, thực phẩm để phục vụ sinh hoạt hằng ngày.

Đồng chí Bảng còn tích cực vận động, quyên góp xây dựng nhà tình nghĩa; tham gia hoạt động ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Trung; trao tặng quà cho đội nữ pháo binh Ngư Thủy; tặng quà bộ đội Trường Sa; tổ chức đoàn thăm viếng và hát cho đồng đội nghe ở Thành cổ Quảng Trị; cùng đồng đội nhiều lần ra đảo Phú Quốc cùng Đội K92, Tỉnh đội Kiên Giang tìm đồng đội, khai quật tìm được khoảng 2000 di cốt.

Với sự đóng góp và những thành tích đạt được, Bảo tàng được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2016. Đồng chí Lâm Văn Bảng được Thành phố tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú năm 2014; Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2015; Ban Tuyên giáo Trung ương tặng Bằng khen năm 2018; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2019.

Cựu chiến binh Lâm Văn Bảng là tấm gương sáng ngời về giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, truyền thống lực lượng vũ trang Thủ đô, góp phần đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống, truyền lửa nhiệt huyết, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Hoàng Đức Sinh
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ