A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vẫn là chiêu trò lợi dụng dịch Covid-19 để chống phá

 

QPTĐ-Những ngày gần đây, đại dịch Covid-19 quay trở lại Việt Nam với tính chất ngày càng phức tạp đã tác động ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, kinh tế, xã hội của nước ta. Trong khi Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị vào cuộc mạnh mẽ, quyết tâm, triển khai nhiều hành động cụ thể nhằm phòng, chống dịch hiệu quả, đồng thời không để đứt gãy nền kinh tế thì các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị lại lợi dụng tình hình dịch bệnh để chống phá Đảng và Nhà nước.

Tổ chức khủng bố Việt Tân thường xuyên lợi dụng dịch Covid-19 để chống phá Việt Nam. (Ảnh: Internet)


Tính đến 18 giờ.00 ngày 9-8, Việt Nam đã ghi nhận 841 ca nhiễm bệnh và 11 người tử vong. Đặc biệt, từ ngày 23-7 đến nay ghi nhận 397 ca nhiễm, trong đó 42 ca nhập cảnh cách ly ngay, 355 ca lây nhiễm trong nước tại 15 tỉnh, thành phố, đều có yếu tố dịch tễ liên quan tới ổ dịch tại Đà Nẵng. Việc Covid-19 quay trở lại Việt Nam thu hút sự quan tâm rất lớn của nhiều cơ quan truyền thông quốc tế. Đa phần các bài viết đều đánh giá cao về công tác phòng, chống dịch và bày tỏ sự tin tưởng vào việc kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam. Tờ The Diplomat có bài viết “Làn sóng Covid-19 tiếp theo đã đến Việt Nam”, trong đó cho rằng, Việt Nam hiện đang phải đối mặt với nguy cơ của làn sóng Covid-19 tiếp theo, vốn đã xảy ra ở nhiều nước. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ có thể kiểm soát được làn sóng tiếp theo này, nhờ vào những kinh nghiệm sẵn có và việc cải thiện hệ thống thiết bị cần thiết để đối phó với dịch bệnh. Còn kênh truyền hình NHK của Nhật cũng đưa tin, sau khi phát hiện các ca nhiễm mới ở Đà Nẵng, giới chức Việt Nam đã phong tỏa thành phố Đà Nẵng. Các biện pháp hạn chế việc đi lại của người dân đã được ban hành, theo đó người dân chỉ ra ngoài để mua thực phẩm và thuốc men và không được tụ tập quá hai người ở nơi công cộng… 

Cũng có những bài viết phân tích, đánh giá, bình luận về những khó khăn, thách thức của Việt Nam khi phải đối mặt với làn sóng thứ 2 của dịch Covid-19. Thậm chí, có những bài viết phân tích, phê phán, cho rằng “Việt Nam ngủ quên trong chiến thắng” và phải trả giá về những sai lầm trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Có lẽ chúng ta cũng nhìn nhận lại sự việc một cách công bằng và chính xác hơn. Sau hơn 3 tháng “nói không” với Covid-19, tâm lý chủ quan của người dân, sự lơi là của một số cơ quan, tổ chức là hiện tượng có thật. Chúng ta phải nghiêm túc rút kinh nghiệm và không để lặp lại trong tương lai.

Tuy nhiên, bên cạnh những tình cảm chân thành, những suy nghĩ, đánh giá thể hiện sự đồng cảm, chia sẻ với Chính phủ và nhân dân Việt Nam thì các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị lại lợi dụng tình hình đó để xuyên tạc chế độ, chính sách, công tác phòng, chống dịch của Việt Nam. Tổ chức khủng bố Việt Tân lợi dụng việc này để xuyên tạc, để kích động đóng cửa biên giới với Trung Quốc. Chúng tuyên truyền, cho rằng nguyên nhân chính của dịch bệnh bùng phát là do việc mở cửa biên giới với Trung Quốc, nếu chúng ta không đóng cửa biên giới thì sẽ vỡ trận, sẽ “toang” trong cuộc phòng, chống dịch bệnh. 

Mới đây trên trang Dân làm báo, đăng tải bài viết “Trung Quốc xâm nhập và vi rút Vũ Hán bùng phát” suy diễn việc vì sao Việt Nam bùng phát dịch khiến người dân có cái nhìn sai về các chính sách, chủ trương của Nhà nước. Móc nối việc Chính phủ mới ban hành Nghị quyết 80 về việc “miễn thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh vào Đặc khu kinh tế Phú Quốc” hồi đầu tháng 7, bài viết đã suy diễn rằng “Vân Đồn và Phú Quốc đã trở thành đặc khu của người Trung Quốc, dân Trung Quốc tự do ra vào. Trước kỳ hạn 30 ngày, từ các “đặc khu” dân Trung Quốc đã tỏa ra nhiều tỉnh, thành khác và âm thầm bám trụ”. Nực cười hơn nữa, khi bài báo lập luận: “Việt Nam thông báo có 672 người bị nhiễm Covid-19, trong đó 307 ca nhiễm là những người nhập cảnh. Chính quyền đã giấu nhẹm không cho biết 307 ca nhiễm đến từ đâu, người mang quốc tịch gì”. Bài báo có ý suy diễn, 307 ca nhiễm đó là người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam. Trong khi đó, thông tin các ca nhiễm, thậm chí lịch trình, đường đi nước bước của các bệnh nhân đều được công khai trên báo chí để người dân biết là họ có đi tới những địa điểm đó hay tiếp xúc với bệnh nhân hay không để khai báo y tế, kiểm tra xét nghiệm.

Những ngày này, cuộc chiến phòng, chống đại dịch Covid-19 ở Việt Nam đang bước vào một giai đoạn mới với diễn biến mới, phức tạp hơn và nguy hiểm, khó khăn hơn. Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương và cả hệ thống chính trị đã khẩn trương triển khai với tinh thần “chống dịch như chống giặc” nhằm ngăn chặn, không để dịch lớn xảy ra. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, các y, bác sỹ, chuyên gia, tình nguyện viên lên đường vào tâm dịch Đà Nẵng và Quảng Nam để tham gia chống dịch. Nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cùng chung tay, đóng góp nguồn lực, giúp Đà Nẵng vững vàng vượt qua giai đoạn khó khăn. Trên các tuyến biên giới, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ bộ đội Biên phòng cùng các lực lượng ngày đêm tuần tra, chốt chặn các lối mòn, cửa mở, ngăn chặn nhập cảnh trái phép. 

Thế mà đi ngược lại dòng chảy của tinh thần vì mạng sống của đồng bào, khi cả nước đang hướng về Đà Nẵng thì nhiều kẻ lại đảo lộn trắng đen, tận dụng tối đa các vấn đề, thấy cái nào có thể vơ vào được thì tranh thủ móc nối để tung tin thất thiệt, kích động người dân nhằm tạo làn sóng bài Trung Quốc, gây hoang mang dư luận, khiến người dân hiểu sai về chủ trương, chính sách của Nhà nước và công cuộc chống dịch của chính quyền. Vì vậy, hơn lúc nào hết, chúng ta hãy cùng lên án các đối tượng phản động cố tình tung tin thất thiệt, thông tin sai sự thật về dịch bệnh Covid-19; những thông tin chống phá Đảng, Nhà nước. Đó chính là hành động thể hiện rõ nhất, thiết thực nhất tinh thần yêu nước, chung tay cùng cả hệ thống chính trị dập đại dịch Covid-19.

Đức Phương
 


Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ