A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quyền con người và mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam

 

QPTĐ-Quyền con người và phát triển bền vững là hai vấn đề có liên quan mật thiết với nhau. Quyền con người là những quyền tự nhiên của con người và không bị tước bỏ bởi bất cứ ai và bất cứ chính thể nào. Các quyền không thể tước bỏ bao gồm quyền được sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc và quyền được bảo vệ bình đẳng trước pháp luật. Trong khi đó, phát triển bền vững là nhu cầu cấp bách và xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển của xã hội loài người. Phát triển bền vững là cơ sở, là tiền đề để bảo đảm quyền con người được thực hiện trong thực tế. Và trong một thế giới tùy thuộc lẫn nhau hiện nay, các quyền con người chỉ có thể được tôn trọng và bảo vệ trong một môi trường hòa bình, an ninh, bình đẳng và phát triển bền vững.

Việt Nam chắc chắn hoàn thành mục tiêu “Xóa đói, bảo đảm an ninh lương thực và cải thiện dinh dưỡng cho mọi người” theo lộ trình đến năm 2030. (Ảnh: Internet)

Mục tiêu phát triển bền vững

Tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên hợp quốc diễn ra từ ngày 25-27/9/2015 tại New York, Hoa Kỳ, Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (CTNS 2030) đã được các nước thành viên Liên hợp quốc đồng thuận thông qua. Lãnh đạo cấp cao Nhà nước Việt Nam tham dự Hội nghị đã khẳng định Việt Nam ủng hộ và cam kết sẽ tập trung mọi nguồn lực cần thiết, huy động tất cả các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cộng đồng và người dân để thực hiện thành công CTNS 2030 và tất cả các mục tiêu phát triển bền vững.
 

CTNS 2030 có độ bao phủ chính sách phổ quát, rộng lớn, vì lợi ích của mọi người dân trên toàn thế giới, cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Chương trình này đã đưa ra tầm nhìn cho giai đoạn phát triển đến năm 2030 với 17 mục tiêu phát triển bền vững và 169 mục tiêu cụ thể, định hướng phương thức thực hiện, các quan hệ đối tác toàn cầu và các hành động triển khai thực hiện. Đây là sự tiếp nối của Các mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ (MDGs) trong giai đoạn 2000-2015 và cũng là sự cụ thể hóa của Chương trình nghị sự 21 về phát triển bền vững cho cả thế kỷ 21 được Liên hợp quốc thông qua vào năm 1992.

Con người là trung tâm của phát triển

Việt Nam luôn xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng đất nước. Nhà nước Việt Nam khẳng định con người là trung tâm của các chính sách kinh tế-xã hội, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người là nhân tố quan trọng cho phát triển bền vững, bảo đảm thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Việt Nam đều nhằm phấn đấu cho mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”, tất cả vì con người và cho con người. 

Ở Việt Nam, vị trí trung tâm của con người được khẳng định thông qua việc phát huy đầy đủ vai trò làm chủ của nhân dân; phát huy tối đa nhân tố con người với vai trò là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của phát triển bền vững. Bảo đảm quyền con người, quyền công dân và các điều kiện để mọi người được phát triển toàn diện. Nâng cao năng lực và tạo cơ chế để nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ, nhất là dân chủ trực tiếp nhằm phát huy mạnh mẽ mọi khả năng sáng tạo và bảo đảm đồng thuận cao trong xã hội, tạo động lực phát triển đất nước. Phát huy lợi thế dân số và con người Việt Nam, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng dụng nhân tài, chăm lo lợi ích chính đáng và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của mọi người dân, thực hiện dân chủ, công bằng xã hội. 

Đồng thời, tạo điều kiện để mọi người và mọi cộng đồng trong xã hội có cơ hội bình đẳng để phát triển, được tiếp cận những nguồn lực chung và được phát huy mọi tiềm năng, tham gia, đóng góp và thụ hưởng bình đẳng thành quả của phát triển; cùng nhau xây dựng, tạo ra những nền tảng vật chất, tri thức và văn hóa tốt đẹp cho những thế hệ mai sau. Không để ai bị bỏ lại phía sau, tiếp cận những đối tượng khó tiếp cận nhất trước, bao gồm trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, người nghèo, người khuyết tật, đồng bào vùng sâu, vùng xa và những đối tượng dễ bị tổn thương khác. Bất cứ ai cũng được quan tâm, tạo điều kiện để phát triển toàn diện.

Thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam

Thực hiện cam kết quốc tế, Việt Nam đã có những bước đi chủ động để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 622/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2017 về Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (KHHĐQG 2030). KHHĐQG 2030 đã đưa ra các mục tiêu, nhiệm vụ và phân công trách nhiệm cụ thể cho các bộ, ngành, cơ quan và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thông qua Kế hoạch hành động, 17 mục tiêu chung và 169 mục tiêu cụ thể của CTNS 2030 đã được quốc gia hóa thành 17 mục tiêu chung và 115 mục tiêu cụ thể của Việt Nam, phản ánh 150/169 mục tiêu cụ thể toàn cầu.

Sau 5 năm thực hiện, theo đánh giá, phân tích số liệu và dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có 7 mục tiêu Việt Nam sẽ hoàn thành theo lộ trình đến năm 2030. Trong đó, Việt Nam chắc chắn đạt được ở mức độ cao một số mục tiêu cơ bản như mục tiêu số 1, mục tiêu số 2... Tiếp nối những thành công xóa đói giảm nghèo trong giai đoạn thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs) trước đây, Việt Nam tiếp tục gặt hái những kết quả ấn tượng trong giai đoạn 2016-2020 thực hiện mục tiêu chung số 1 về “Chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi”. Việt Nam có khả năng sẽ đạt được cả 3 mục tiêu phát triển bền vững cụ thể thuộc mục tiêu chung số 1 đến năm 2030. Việt Nam cũng sẽ hoàn thành Mục tiêu chung số 2 về “Xóa đói, bảo đảm an ninh lương thực và cải thiện dinh dưỡng cho mọi người”, Mục tiêu chung số 4 về “giáo dục có chất lượng và công bằng cho mọi người” vào năm 2030, trong đó sẽ bảo đảm đạt tới 6 trong tổng số 8 mục tiêu cụ thể liên quan tới giáo dục phổ thông…

Tuy nhiên, cũng theo Bộ Công thương, có 8 mục tiêu chung sẽ gặp nhiều thách thức để đạt được và 2 mục tiêu khó hoàn thành được theo lộ trình đến 2030. 2 mục tiêu khó hoàn thành theo lộ trình đó là mục tiêu số 12 về “Đảm bảo mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững” và Mục tiêu số 14 về “Bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương biển và nguồn lợi biển để phát triển bền vững”. Điều đó đòi hỏi Việt Nam phải tiếp tục nỗ lực, có những chính sách đúng đắn để vượt qua thách thức, hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững, đem lại cuộc sống ấm no, hạch phúc cho nhân dân.

Phương Minh
 


Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ