A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân

 

QPTĐ-Xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân là mục tiêu tối thượng và cao đẹp mà chúng ta đã và đang từng bước hiện thực hóa trong cuộc sống xã hội. Trong đó, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do nhân dân bầu ra, tất cả quyền lực đều thuộc về nhân dân là yêu cầu và cũng là mục đích của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Tuy nhiên, với mục đích phá hoại cuộc bầu cử, các thế lực thù địch, đối tượng phản động, chống đối, cơ hội chính trị đang tiến hành nhiều hoạt động chống phá với tính chất hết sức quyết liệt.

Các thế lực thù địch, phản động không ngừng xuyên tạc về dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam.

Trong thời gian qua, trên một số trang báo tiếng Việt ở hải ngoại có cái nhìn lệch lạc, thiếu thiện chí, thiếu khách quan với Việt Nam như BBC, RFA, VOA…, các thế lực thù địch, đối tượng phản động, cơ hội chính trị ra sức viết bài xuyên tạc bản chất Nhà nước xã hội chủ nghĩa, xuyên tạc về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Trên BBC là một loạt bài như: “Ứng viên đại biểu Quốc hội Việt Nam có cần nhất thân, nhì thế?”; “Từ Myanmar nghĩ về bầu cử công bằng cho Việt Nam”; “Có phải xã hội Việt Nam đang chỉ tiền hơn là nhân quyền và dân chủ?”… 

Điểm chung của những bài viết này là lợi dụng danh nghĩa dân chủ, nhân quyền để xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; lợi dụng vấn đề chống tham nhũng, những hạn chế, yếu kém trong quản lý xã hội và những vấn đề bức xúc trong đời sống nhân dân để lôi kéo, kích động gây bất ổn ở cơ sở; tác động vào nhận thức, tư tưởng, tình cảm của một bộ phận nhân dân thông qua những chiêu trò như “hỗ trợ kinh phí để thực hiện việc khiếu kiện”; thực hiện hỗ trợ nhân đạo kèm theo những điều kiện bắt buộc như tham gia hội, nhóm, diễn đàn, hội thảo…; kích động những người bất mãn với chế độ; xuyên tạc lịch sử; lợi dụng một số sai phạm của cá nhân cán bộ, đảng viên để “đánh đồng”, “quy thành bản chất”, bôi nhọ , nói xấu cấp ủy, chính quyền các cấp... Nguy hiểm hơn, chúng kêu gọi, kích động nhân dân xuống đường biểu tình, đòi yêu sách nhằm tiến hành “cách mạng màu”, “cách mạng hoa hồng”… Trong bài “Có phải xã hội Việt Nam đang chỉ tiền hơn là nhân quyền và dân chủ?”, chúng kích động giới trẻ: “Trên thế giới từ mùa Xuân Ả Rập, đến phong trào bảo vệ dân chủ phản đối sự can thiệp thô bạo của Bắc Kinh ở Hồng Kông; đòi dân chủ hơn ở giới trẻ Thái Lan; bảo vệ nền dân chủ non trẻ ở Myanmar vừa bị quân đội tiếm đoạt... Điểm chung của các phong trào này do những người trẻ lãnh đạo và là lực lượng nòng cốt. Đáng buồn tôi không nhìn thấy những phong trào đấu tranh đòi dân chủ như thế ở Việt Nam, đặc biệt sự dấn thân ở các bạn trẻ”.

Mới đây, trên RFA đăng tải bài viết: “Có thật nhân dân được đặt ở vị trí trung tâm như lời các lãnh đạo?”. Tại Hội nghị góp ý cho Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về công tác dân vận, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phát biểu: “Một trong những công tác dân vận cần tập trung là thực hành và phát huy rộng rãi sự dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân. Bên cạnh đó, cần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội; khơi dậy, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Nhưng với mục đích xấu, bôi nhọ Việt Nam, RFA đã lấy ý kiến của một số phần tử phản động, cơ hội chính trị và cho rằng phát biểu của người đứng đầu Ban Dân vận Trung ương chỉ đúng về mặt lý luận nhưng thực tế không như vậy. “Đó chỉ là chiêu bài lừa mị người dân, là cái tuyên huấn nói hàng ngày hàng giờ nhưng không có thật, người ta đội lốt nhân dân để làm những việc đó. Nếu nhân dân là chủ thể trong việc xây dựng chế độ hoặc xây dựng đời sống người dân hoặc câu của Trưởng Ban Dân vận thì nhân dân phải được hoạch định các đường lối, chính sách, phải được bầu ra những người đại diện cho mình và cùng với họ nhân dân thực thi những kế hoạch, chiến lược, sách lược của nhân dân đề ra. Cuối cùng là nhân dân kiểm tra kết quả những cái đó”- Nguyễn Vũ Bình, một đối tượng chống đối nói trên RFA.

Không biết Nguyễn Vũ Bình không biết thật hay cố tình lờ như không biết, chẳng phải bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp là bầu những người đại diện của mình ở các cơ quan quyền lực Nhà nước và cũng chính những người đại diện sẽ hoạch định, thực hiện kế hoạch, chiến lược, sách lược đó sao. Đảng, Nhà nước Việt Nam xác định đặt con người vào vị trí trung tâm của các chính sách phát triển; coi con người là vốn quý nhất, chăm lo cho con người là mục tiêu phấn đấu cao nhất của chế độ. Mọi chủ trương, chính sách phát triển đều xuất phát từ con người, lấy con người là trung tâm. Tăng trưởng và phát triển kinh tế vì con người, đi đôi với phát triển các mặt về văn hoá, giáo dục, nâng cao dân trí, bảo vệ và cải thiện môi trường. Mục tiêu nhất quán của mọi chính sách xã hội do Đảng và Nhà nước Việt Nam đề ra đều hướng trọng tâm vào con người, nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất của mọi thành viên trong xã hội, bảo đảm những nhu cầu tối thiểu nhất của con người là ăn, ở, mặc, đi lại, học tập, nghỉ ngơi, khám chữa bệnh và nâng cao thể chất của con người Việt Nam.

Trên thực tế, những năm qua, Việt Nam đã có những thành tựu vượt bậc trong việc bảo đảm dân chủ, nhân quyền, từ quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, đến quyền dân sự, chính trị, quyền của các nhóm dễ bị tổn thương. Việt Nam là một trong những nước đã hoàn thành trước thời hạn nhiều mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc (MDG), được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong các lĩnh vực giảm nghèo, y tế, dân số, giáo dục và đang tích cực triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) đến năm 2030. Tốc độ tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức độ khá cao. Giai đoạn 2016-2019 đạt 6,8%/năm. Cùng với phát triển kinh tế, Việt Nam cũng chú trọng những vấn đề xã hội. Tỉ lệ hộ nghèo cả nước giảm nhanh, từ 9,2% năm 2016 xuống dưới 3% vào năm 2020 (theo chuẩn nghèo đa chiều). Đời sống người dân không ngừng được cải thiện; tạo sinh kế và nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Thu nhập bình quân đầu người tăng 3,1 lần, từ 16,6 triệu đồng năm 2010 lên 51,5 triệu đồng năm 2019. 

Đó là minh chứng rõ ràng cho công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.

Minh Phương
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ