A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vẫn điệp khúc xuyên tạc quen thuộc về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam

 

QPTĐ-Mới đây, Tổ chức theo dõi nhân quyền (Human Rights Watch-HRW) công bố cái gọi là Báo cáo thường niên 2020, đánh giá tình hình nhân quyền ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, như thường lệ, báo cáo của tổ chức này tiếp tục có những đánh giá thiếu khách quan và không đúng tình hình thực tiễn vấn đề dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Vậy HRW là tổ chức nào? Tại sao luôn có cái nhìn lệch lạc, thiếu thiện chí với Việt Nam.

Các cơ quan truyền thông thiếu thiện chí triệt để khai thác, lợi dụng luận điệu của HRW để lên án Việt Nam. 

Tổ chức theo dõi nhân quyền là một tổ chức phi chính phủ chuyên hoạt động về nhân quyền, có trụ sở tại Hoa Kỳ và văn phòng đại diện ở một số quốc gia. Tiền thân của HRW là tổ chức Helsinki Watch, thành lập năm 1978 với mục đích “giám sát” Liên Xô (trước đây) bằng cách thu thập tư liệu liên quan tới việc thực hiện hiệp ước của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu và “hỗ trợ” các nhóm bảo vệ nhân quyền tại nước này. Năm 1988, Helsinki Watch hợp nhất với một số tổ chức quốc tế khác đổi tên thành Human Rights. Với định kiến sẵn có, tổ chức này luôn giữ quan điểm kỳ thị đối với các quốc gia do Đảng Cộng sản lãnh đạo, cầm quyền, đặc biệt là Việt Nam. Hoạt động chính của HRW là kết nối giữa các cá nhân, tổ chức hoạt động trên lĩnh vực “nhân quyền”; lượm lặt, sưu tập tài liệu, soạn thảo Báo cáo tình hình nhân quyền hằng năm; cổ vũ cho cá nhân “đấu tranh cho nhân quyền” bằng hình thức trao giải thưởng nhân quyền. Mục tiêu của HRW là dùng vấn đề nhân quyền làm suy yếu, thúc đẩy các chế độ xã hội do các Đảng Cộng sản lãnh đạo và các chế độ xã hội khác chuyển sang chế độ xã hội “đa nguyên chính trị”, “đa đảng đối lập” và thể chế “tam quyền phân lập” kiểu phương Tây.

Với mục tiêu như vậy, không khó hiểu khi tổ chức này luôn chĩa mũi dùi công kích Việt Nam. Trong Báo cáo của mình, tổ chức này cho rằng: “Trong năm 2020, Việt Nam tiếp tục vi phạm các quyền dân sự và chính trị cơ bản một cách có hệ thống”. HRW còn trắng trợn bịa đặt một cách lố bịch rằng: “Những người lên tiếng phê phán đảng hoặc chính quyền phải đối mặt với nguy cơ bị công an đe dọa, sách nhiễu, cản trở việc đi lại, hành hung thân thể, bị câu lưu và bắt giữ tùy tiện, và bỏ tù”. HRW cho rằng, các đối tượng như: Phan Công Hải, Nguyễn Văn Nghiêm, Đinh Văn Phú và Nguyễn Quốc Đức Vượng bị “kết án mỗi người từ năm đến tám năm tù vì đã phê phán Đảng và Nhà nước”. Còn các đối tượng: Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn, Phạm Chí Dũng bị bắt vì “dường như liên quan đến việc ông công khai bày tỏ ý kiến phản đối hiệp ước thương mại tự do EU-Việt Nam”. Ngoài ra, HRW cũng nhắc đến những cái tên “đình đám” khác như  Phạm Chí Thành, ba mẹ con Cấn Thị Thêu, Nguyễn Thị Tâm, Phạm Thị Đoan Trang… Các đối tượng này được HRW gọi với những danh hiệu mĩ miều như: “Nhà hoạt động nhân quyền”, “nhà hoạt động dân chủ” “nhà hoạt động đất đai”, “blogger nhân quyền”, “blogger độc lập” “tù nhân chính trị”… Lợi dụng việc HRW công bố báo cáo, đánh giá này, các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị thừa cơ tung lên mạng xã hội, tạo cớ công kích, vu cáo tình hình dân chủ, nhân quyền Việt Nam. Các tổ chức, cơ quan truyền thông thù địch, thiếu thiện chí ở nước ngoài như RFA, BBC, VOA…đã lớn tiếng triệt để khai thác, lợi dụng luận điệu của HRW để lên án Việt Nam. 

Vậy thực chất các đối tượng trên có phải là “nhà hoạt động nhân quyền”, “nhà hoạt động dân chủ” như HRW rêu rao hay là đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật. Không khó để tìm hiểu, xác minh về các đối tượng này. Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn đã bị Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm cùng về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015. Từ năm 2014, 3 đối tượng trên đã thường xuyên tiếp xúc với các đối tượng, tổ chức có tư tưởng bất mãn về chính trị trong và ngoài nước. Từ đó, Dũng nảy sinh tư tưởng bất mãn với chính quyền nên đã khởi xướng thành lập cái gọi là “Hội nhà báo độc lập Việt Nam". 

Sau khi thành lập hội, Phạm Chí Dũng giữ vai trò chủ tịch hội, Nguyễn Tường Thụy làm phó chủ tịch. Phạm Chí Dũng chỉ đạo Đoàn Thị Phương Thảo (hiện ở nước ngoài) tạo lập trang web và blog “Việt Nam thời báo” do Dũng quản trị, tiếp nhận và duyệt đăng thông tin, bài viết của mình, của hội viên và của các cộng tác viên. Tính từ năm 2014 đến 2019, 2 trang web và blog “Việt Nam thời báo” đã đăng tải hơn 23.500 bài viết, trong đó Dũng viết và đăng tải khoảng 1.530 tin bài, Nguyễn Tường Thụy 245 tin bài và Minh Tuấn 534 tin bài. Qua giám định, cơ quan chức năng xác định có 25 bài viết của Phạm Chí Dũng, 5 bài viết của Nguyễn Tường Thụy và 6 bài viết của Lê Hữu Minh Tuấn có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, bịa đặt, xâm phạm uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam, chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Như Phạm Thị Đoan Trang, sinh năm 1978 tại Hà Nội. Từng là một phóng viên, nhưng do bị tác động, lôi kéo của các đối tượng có tư tưởng chống chế độ, Phạm Thị Đoan Trang đã có nhiều hoạt động vi phạm pháp luật. Không chỉ tích cực tham gia các cuộc biểu tình, gây rối an ninh, trật tự, thành lập các trung tâm như “Trung tâm Truyền thông giáo dục cộng đồng”, viết bài cho “Nhịp cầu thế giới”… Phạm Đoan Trang còn gia nhập tổ chức “VOICE” và trở thành một thành viên của tổ chức khủng bố “Việt Tân”. Phạm Thị Đoan Trang đã được tổ chức “VOICE” đưa ra nước ngoài đào tạo về cách thức chống phá chính quyền, hoạt động “bất bạo động”. Phạm Thị Đoan Trang thành lập “Nhà xuất bản tự do”, xuất bản các sách, tài liệu có nội dung đả phá chính quyền, công kích chế độ như: “Chính trị bình dân”, “Cẩm nang nuôi tù”, “Phản kháng phi bạo lực”… Với những hành vi vi phạm pháp luật, Phạm Thị Đoan Trang đã bị bắt tạm giam về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” và “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”.

Như vậy đã rõ, các đối tượng mà HRW gọi là “nhà hoạt động nhân quyền”, “nhà hoạt động dân chủ” thực chất là các đối tượng vi phạm pháp luật Việt Nam và bị xử lý theo pháp luật Việt Nam. Vì vậy, không có chuyện bắt, xử lý những người bất đồng chính kiến hay “đàn áp nhân quyền” như luận điệu xuyên tạc của HRW.

Phương Minh
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ