A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Bảo kiếm” ngăn chặn suy thoái cho cán bộ, đảng viên

 

QPTĐ-Kiểm tra, giám sát (KT, GS) là một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng, một bộ phận quan trọng trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng. Lãnh đạo mà không kiểm tra coi như không lãnh đạo, nên công tác KT, GS được ví như “thanh bảo kiếm để chặn đứng suy thoái”. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, vẫn còn cấp ủy, tổ chức Đảng và một số cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) chưa nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác này, cho rằng công tác KT, GS là không cần thiết, ảnh hưởng đến công tác khác hoặc xem như bới lông, tìm vết, không thật thoải mái khi được KT, GS dẫn đến đối phó, thiếu sự hợp tác, chưa tạo điều kiện cho chủ thể KT, GS. Đây chính là biểu hiện che giấu sự suy thoái.

Tranh minh họa: Internet

Những hệ lụy do coi thường, xem nhẹ

Vừa rồi nhân chuyến công tác, tôi có dịp ghé thăm bạn học cùng lớp, thấy bạn cứ “nhấp nhổm” ra vào bàn máy tính làm cho câu chuyện hàn huyên giữa chúng tôi thỉnh thoảng bị gián đoạn, tôi thầm nghĩ có lẽ công tác ở một cơ quan quan trọng nên bạn nhiều công việc. Sau một hồi, hình như công việc đã xong, bạn tôi mới phân trần giải thích: “Sáng mai chi bộ chỗ mình sinh hoạt, kiểm tra đảng viên theo kế hoạch. Tháng này đến lượt mình kiểm tra. Ôi! dào, công việc thì vẫn thế, vẫn luôn rèn luyện, phấn đấu hoàn thành tốt. Cứ bày vẽ sinh hoạt, kiểm tra cho mất thời gian”. Chính tư tưởng coi thường, xem nhẹ công tác KT, GS của Đảng là nguyên nhân dẫn đến CB, ĐV không chấp hành nghiêm các quy định, nguyên tắc của đảng. Hay một lần khác, sau khi chi bộ sinh hoạt kỷ luật một đảng viên là cán bộ chủ trì đơn vị vì vi phạm các nguyên tắc của Đảng, tôi được nghe các đảng viên trong chi bộ trao đổi với nhau: “Ông ấy vi phạm từ lâu rồi. Bây giờ chi bộ mới phát hiện để xét kỷ luật thì quá muộn”. Vậy đấy, sự coi thường xem nhẹ và tính trung bình chủ nghĩa trong thực hiện công tác KT, GS của đảng viên nêu trên, bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng chủ yếu từ nguyên nhân thiếu KT, GS của các tổ chức Đảng. Thực tế cho thấy, nơi nào cấp ủy buông lỏng hoặc xem nhẹ công tác KT, GS nơi đó dễ nảy sinh tiêu cực, chất lượng CB, ĐV yếu kém.

Ví dụ như trong vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” của Đội Quản lý thị trường số 17, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội. Cụ thể là Đội Quản lý thị trường số 17 thành lập Đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa dịch vụ đối với Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Phú Hưng Phát. Qua kiểm tra đã phát hiện, tạm giữ 68 đầu mục sách giáo khoa với 27.360 quyển sách giả, buộc tiêu hủy toàn bộ. Tuy nhiên, quá trình kiểm tra, xử lý của Đội Quản lý thị trường số 17 đã thực hiện không đúng quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Bộ luật Hình sự năm 2015. Hội đồng giám sát tiêu hủy không tiến hành kiểm đếm lại số sách đã thu trước khi tiêu hủy, không chứng kiến toàn bộ quá trình tiêu hủy, không lập biên bản theo diễn biến thực tế. Một số cán bộ của Đội đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, như: Nhận tiền của Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát; tự ý trả lại một phần số sách giả và nhận tiền cảm ơn từ Công ty Phú Hưng Phát... đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an và Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao khởi tố và truy tố. Ngay sau đó, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội đã xem xét báo cáo đề nghị thi hành kỷ luật đối với đảng viên thuộc Đảng bộ Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội. Trong đó,  Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội tiến hành thi hành kỷ luật bằng hình thức Khiển trách đối với ông Chu Xuân Kiên, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Thành phố. 

Qua sự việc cho thấy, Đảng bộ Cục Quản lý thị trường chưa thực hiện tốt và đầy đủ việc quản lý, kiểm tra, giám sát trong Đảng, tính đấu tranh tự phê bình và phê bình còn hạn chế, đảng viên đã không thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương, còn biểu hiện thiếu gương mẫu trong sinh hoạt, công tác, suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống. Cho nên, mọi vi phạm, khuyết điểm của tổ chức Đảng và đảng viên ở đây, đều bắt đầu từ vi phạm kỷ luật Đảng, rồi sau đó mới “lún sâu” dẫn đến vi phạm pháp luật. Đây là do tổ chức Đảng đã xem nhẹ công tác KT, GS, nếu được KT, GS kịp thời, thường xuyên và sớm hơn thì mức độ, hậu quả của vi phạm, khuyết điểm sẽ ít nghiêm trọng hơn hoặc có thể sẽ không xảy ra vi phạm, khuyết điểm đến mức phải xử lý kỷ luật và không để lại hậu quả nghiêm trọng như thế.

Năng KT, GS mới giữ nghiêm kỷ luật

KT, GS không chỉ giúp cấp ủy, tổ chức Đảng nhanh chóng tìm ra những hạn chế, khuyết điểm của CB, ĐV để kịp thời có biện pháp lãnh đạo xử lý kịp thời, mà còn phát hiện ra những gương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến, những nhân tố mới để từ đó bồi dưỡng, nhân rộng, làm lan tỏa những giá trị tốt đẹp. Vì vậy công tác KT, GS không chỉ là liều thuốc hữu hiệu giúp các tổ chức Đảng “chữa lành các vết thương”, mà còn giúp tổ chức Đảng phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, giữ nghiêm kỷ luật Đảng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Có kiểm tra mới huy động được tinh thần tích cực và lực lượng to tát của nhân dân, mới biết rõ năng lực và khuyết điểm của cán bộ, mới sửa chữa và giúp đỡ kịp thời”. Người nhấn mạnh: “Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết,… kiểm tra khéo, về sau khuyết điểm nhất định bớt đi”. Quán triệt quan điểm trên, Đảng ta đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, quy định quan trọng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng, như: Nghị quyết số 14-NQ/TW, ngày 30/7/2007, Hội nghị Trung ương 5 khóa X “Về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng”; Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28/7/2021, của Ban Chấp hành Trung ương “Về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng”; Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25/10/2021, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về những điều đảng viên không được làm”. Chúng ta đều biết, tổ chức đảng cơ sở là nơi trực tiếp quản lý, giáo dục, rèn luyện, KT, GS đảng viên. Mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước có đi vào cuộc sống hay không, đều phục thuộc vào sự lãnh đạo của tổ chức Đảng cơ sở. Đề hoàn thành chức năng lãnh đạo, thì tổ chức cơ sở Đảng phải được xây dựng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, trong đó, công tác KT, GS giữ vai trò quan trọng, cần thiết, để kịp thời phát huy ưu điểm, chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, khắc phục thiếu sót, khuyết điểm của tổ chức Đảng và đảng viên. Tuy nhiên thực tiễn cho thấy, hàng năm, có khoảng 35% số chi bộ chưa thực hiện nghiêm nhiệm vụ KT, GS đảng viên. Số lượng đảng viên được KT, GS tại các chi bộ còn ít; một số chi bộ chưa KT, GS đối với cấp ủy viên, mà theo quy định cấp ủy viên được kiểm tra là 9,5%; được giám sát chuyên đề là 7,02%. Về nội dung, chưa tập trung KT, GS việc thực hiện nghị quyết chi bộ; nhiệm vụ do chi bộ giao; việc thực hiện các biện pháp khắc phục, sửa chữa hạn chế, khuyết điểm theo Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, XII về xây dựng Đảng. 

Do đó, để công tác KT, GS đạt chất lượng và hiệu quả, cấp ủy Đảng phải quán triệt, thực hiện nghiêm Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28/7/2021, của Ban Chấp hành Trung ương “Về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng”, để cho CB, ĐV nhận thức đúng vai trò, ý nghĩa, tác dụng của công tác KT, GS và thi hành kỷ luật Đảng. Đồng thời, phát huy vai trò trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng và ủy ban kiểm tra trong lãnh đạo, chỉ đạo, sao cho công tác KT, GS phải được tiến hành đồng bộ, có sự phối hợp chặt chẽ giữa Đảng, chính quyền và tổ chức đoàn thể; xây dựng kế hoạch kiểm tra phải cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, việc giám sát phải được mở rộng, đặc biệt ở những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực. Khi tiến hành KT, GS, phải tạo được sự nhất trí giữa cấp ủy và chính quyền, thực hiện tốt quy chế dân chủ, đề cao tự phê bình và phê bình, như vậy việc KT, GS sẽ không mang tính hình thức. Cùng với đó, phải bám sát nội dung, thời gian, mốc KT, GS để chỉ đạo đối tượng được kiểm tra hoặc giám sát thực hiện. Để công tác KT, GS đạt hiệu quả, các tổ chức Đảng cơ sở cần quan tâm xây dựng, giữ gìn và phát huy tính tự giác của đảng viên, không thể nói suông hoặc hô hào, kêu gọi tính tự giác của mỗi đảng viên mà thông qua công tác KT, GS để xây dựng cơ chế, biện pháp kể cả chế tài xử lý, xem đây là vấn đề mấu chốt để nâng cao tính kỷ luật, kỷ cương của Đảng và cũng là giải pháp để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng ở cơ sở.

NGUYỄN VĂN TUÂN
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ