A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

An ninh con người và mối liên hệ với quyền con người ở Việt Nam

Bài 4: An ninh môi trường và những thách thức của Việt Nam

 

QPTĐ-An ninh môi trường là trạng thái hệ thống các yếu tố cấu thành môi trường cân bằng để bảo đảm điều kiện sống và phát triển của con người cũng như các loài sinh vật trong hệ thống đó. Ngày nay, đảm bảo an ninh môi trường đã và đang trở thành vấn đề toàn cầu, bởi các thách thức an ninh môi trường không chỉ đe dọa đến tính mạng con người, an ninh kinh tế, an ninh lương thực…mà còn là một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của nhân loại.

Việt Nam đối diện với nhiều thách thức trong bảo đảm an ninh môi trường.

Vấn đề toàn cầu

Trong những năm gần đây, chúng ta thường nghe những cụm từ như: Biến đổi khí hậu, băng hà đang lùi dần, băng vĩnh cửu đang tan, diện tích băng ở Bắc Băng Dương đang thu hẹp lại, mức nước biển đang dâng cao. Nhiều thiên tai xảy ra một cách bất thường, như: Hạn hán, lũ lụt, bão tố, thời tiết nóng hay lạnh bất thường tại nhiều vùng trên thế giới, gây thiệt hại rất nặng nề, nhất là những nước nghèo thuộc vùng nhiết đới. Điều đó cho thấy, Trái đất của chúng ta đang có những thay đổi bất thường. 

Tất cả những thảm họa đó và cả những hiện tượng bất thường về thời tiết trong những năm qua tại nhiều vùng trên thế giới đã gây tác hại vô cùng nghiêm trọng có nguyên nhân chính là do các hoạt động của con người. Con người là một phần của môi trường toàn cầu và cũng có thể nói rằng con người là một thành viên của thiên nhiên. Vì thế, sự tàn phá thiên nhiên cũng có thể nói rằng đó là sự tàn phá chính bản thân mình. Tuy nhiên, trong các thành phần khác nhau sinh sống trong thiên nhiên, chỉ có con người có số lượng cá thể vẫn tăng liên tục và đồng thời lại gây nên nhiều sự biến đổi về môi trường, gây ảnh hưởng xấu đến các loài khác.

Phát triển kinh tế với sự tiêu thụ nhiều nhiên liệu hóa thạch đã làm tăng lượng khí nhà kính trong khí quyển, do đó làm nhiệt độ mặt đất đã và đang tăng lên, gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu. Sự nóng lên toàn cầu này có thể nói là đã gây ra những thay đổi bất thường về khí hậu và cũng là nguyên nhân của các thiên tai bất thường trên thế giới, đồng thời, cũng vì thế mà nguồn lương thực và nguồn nước đang bị giảm sút và hậu quả là sự gia tăng số người phải từ bỏ quê hương tìm nơi khác để kiếm sống trên toàn thế giới.
 
Thách thức đối với Việt Nam

Có thể thấy, một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu của an ninh môi trường hiện nay là biến đổi khí hậu. Theo đánh giá của các tổ chức thế giới, Việt Nam là một trong các quốc gia phải chịu nhiều ảnh hưởng của các kiểu thời tiết khắc nghiệt và thường xuyên phải chịu ảnh hưởng của bão biển, bão nhiệt đới và áp thấp nhiệt đới. Hiện tượng El-Nino, La-Nina ngày càng tác động mạnh mẽ đến Việt Nam, gây ra nhiều đợt nắng nóng khắc nghiệt. Ngay đầu năm 2020, các tỉnh khu vực Nam Trung bộ đang phải đối mặt với tình trạng nắng nóng kéo dài, hạn hán nghiêm trọng, nguồn nước bị suy giảm nhanh, hàng chục nghìn héc-ta lúa hè thu bị chết. Chưa kịp khôi phục hậu quả hạn hán ở Nam Trung bộ và Tây Nguyên thì miền Trung Việt Nam lại liên tiếp hứng chịu hàng chục cơn bão kèm với nó là lũ lụt, sạt lở đất để lại hậu quả nặng nề. Cùng với đó là nước biển dâng sẽ làm mất đất canh tác trong nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long...

Ngoài ra, Việt Nam cũng đang đối diện với nhiều thách thức như: An ninh nguồn nước ngày càng trở nên cấp bách, gay gắt, nhất là khi phần lớn nguồn nước phụ thuộc vào nước ngoài. Ô nhiễm đại dương và biển đang ngày càng trầm trọng. Vấn đề khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đang đứng trước nhiều thách thức và ở mức báo động, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế-xã hội, sinh kế của người dân. Vấn đề ô nhiễm môi trường ở một số khu vực trọng điểm như khu công nghiệp, khu đô thị lớn, làng nghề, các lưu vực sông… đang rất đáng báo động. Một số thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng không khí ở mức báo động.

Hiện nay, điều đáng lo ngại là chất lượng rừng tự nhiên tiếp tục giảm. Tuy độ che phủ rừng có xu hướng tăng nhưng chủ yếu là rừng trồng với mức đa dạng sinh học thấp, trong khi rừng tự nhiên với mức đa dạng sinh học cao nhưng tỷ lệ bảo tồn còn rất thấp. Sự suy giảm đa dạng loài ở nước ta ngày càng một gia tăng. Trong khi đó, sự du nhập của các sinh vật ngoại lai xâm hại và sinh vật biến đổi gen xâm lấn ngày càng tăng. 

Bảo đảm an ninh môi trường: trách nhiệm của mọi người

Ở Việt Nam, bảo đảm an ninh môi trường được coi là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Tại Đại hội XI, Đảng ta đã khẳng định: “Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và của mọi công dân”. Văn kiện Đại hội XII của Đảng cũng nhấn mạnh: “Ngăn chặn và từng bước khắc phục sự xuống cấp của môi trường tự nhiên do con người, nhất là do các dự án phát triển kinh tế gây ra”. Đặc biệt, Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội XIII của Đảng xác định rõ quan điểm, chủ trương trong bảo đảm an ninh môi trường như: Xây dựng chiến lược, hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, trọng tâm là đất đai. Xây dựng chiến lược an ninh nguồn nước quốc gia; hoàn thiện chính sách, pháp luật, nhất là cơ chế tài chính về khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Xây dựng hệ thống và cơ chế giám sát tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu, dự báo, cảnh báo thiên tai, ô nhiễm và thảm hoạ môi trường, dịch bệnh. Chủ động, tích cực hợp tác quốc tế và thực hiện các cam kết quốc tế trong bảo đảm an ninh sinh thái, an ninh môi trường, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Về mặt Nhà nước, Việt Nam đã sớm có Luật Bảo vệ môi trường từ năm 1993 được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2005, 2014 và mới nhất, ngày 17-11 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Luật quy định: Môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển kinh tế-xã hội bền vững. Bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu phải gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế và được đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển; không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế; thực hiện sàng lọc, lựa chọn đầu tư phát triển dựa trên các tiêu chí về môi trường.

Như vậy, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về môi trường cơ bản hoàn thiện và đồng bộ. Vấn đề cốt lõi của Việt Nam hiện nay là cụ thể hóa các chủ trương chính sách đó thành hành động thiết thực của mỗi cá nhân, tổ chức, góp phần bảo đảm an ninh môi trường và cao hơn là bảo đảm an ninh con người.

Phương Minh
 


Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ