A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quyền con người và bảo đảm quyền con người ở Việt Nam

Bài 3: Thực tiễn sinh động được thế giới ghi nhận

QPTĐ-Không chỉ cam kết bảo đảm nhân quyền bằng việc tham gia hầu hết các công ước quốc tế, ghi nhận trong Hiến pháp và pháp luật, Việt Nam còn nỗ lực bảo vệ và thúc đẩy quyền con người được thực hiện trong thực tế. Những thành tựu về bảo đảm quyền con người ở Việt Nam đã được thế giới ghi nhận, đánh giá cao.

Việt Nam hoàn thành trước thời hạn nhiều mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc.

CON NGƯỜI LÀ TRUNG TÂM

Trong công cuộc đổi mới, Đảng, Nhà nước Việt Nam xác định đặt con người vào vị trí trung tâm của các chính sách phát triển; coi con người là vốn quý nhất, chăm lo cho con người là mục tiêu phấn đấu cao nhất của chế độ. Mọi chủ trương, chính sách phát triển đều xuất phát từ con người, lấy con người là trung tâm. Tăng trưởng và phát triển kinh tế vì con người, đi đôi với phát triển các mặt về văn hoá, giáo dục, nâng cao dân trí, bảo vệ và cải thiện môi trường. Mục tiêu nhất quán của mọi chính sách xã hội do Đảng và Nhà nước Việt Nam đề ra đều hướng trọng tâm vào con người, nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất của mọi thành viên trong xã hội, bảo đảm những nhu cầu tối thiểu nhất của con người là ăn, ở mặc, đi lại, học tập, nghỉ ngơi, khám chữa bệnh và nâng cao thể chất của con người Việt Nam.

Chính vì vậy, Hiến pháp năm 2013 với một chương riêng về "Quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân" và gần 100 văn bản quy phạm pháp luật liên quan quyền con người là những nỗ lực hết sức có ý nghĩa, tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng cho việc bảo đảm trên thực tế quyền con người, quyền công dân. Cùng với những bước tiến đó là việc không ngừng phấn đấu hoàn thiện thể chế và tạo dựng cơ sở vật chất để bảo đảm tốt hơn quyền con người. Mọi chiến lược, chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội đều được xây dựng trên cơ sở lấy người dân làm trung tâm, hướng về người dân và phục vụ người dân.

QUYỀN CON NGƯỜI TRONG THỰC TIỄN

Những nỗ lực đó đã mang lại những kết quả tích cực trong việc bảo đảm quyền con người, từ quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, đến quyền dân sự, chính trị, quyền của các nhóm dễ bị tổn thương. Việt Nam là một trong những nước đã hoàn thành trước thời hạn nhiều mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc (MDG), được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong các lĩnh vực giảm nghèo, y tế, dân số, giáo dục và đang tích cực triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) đến năm 2030. Tốc độ tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức độ khá cao. Giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt bình quân 5,9%/năm, giai đoạn 2016-2019 đạt 6,8%/năm. Cùng với phát triển kinh tế, Việt Nam cũng chú trọng những vấn đề xã hội. Tỉ lệ hộ nghèo cả nước giảm nhanh, từ 14,2% năm 2010 xuống còn 7% năm 2015 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015) và giảm từ 9,2% năm 2016 xuống dưới 3% vào năm 2020 (theo chuẩn nghèo đa chiều). Cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các huyện nghèo, xã nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tăng cường. Đời sống người dân không ngừng được cải thiện; tạo sinh kế và nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Thu nhập bình quân đầu người tăng 3,1 lần, từ 16,6 triệu đồng năm 2010 lên 51,5 triệu đồng năm 2019. 

Quyền giáo dục, y tế, nhà ở đều được cải thiện mạnh mẽ, trong đó 63 tỉnh, thành phố đã phổ cập giáo dục mầm non và phổ cập giáo dục tiểu học. Quyền bình đẳng giới được thực hiện có hiệu quả trên các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội; tỷ lệ đại biểu nữ trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp đạt trên dưới 27%, tỷ lệ khá cao so với các nước trong khu vực. Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em được quan tâm cả về tổ chức bộ máy, chính sách, pháp luật, nguồn lực và được triển khai thực hiện ở cả ba cấp độ: Phòng ngừa, can thiệp giảm thiểu các nguy cơ và hỗ trợ phục hồi, hoà nhập cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Việc xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc được quan tâm; nhiều mô hình phòng, chống bạo lực gia đình được nhân rộng. Trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đã nổi lên những giá trị đạo đức xã hội, nhiều gương người tốt, việc tốt được nhân rộng, phát huy.

Đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng phát triển phong phú với hàng nghìn lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra hằng năm. Thực tế, nhiều năm qua, một số ngày lễ của các tôn giáo như Lễ Giáng sinh, Lễ Phật đản... không chỉ là ngày lễ của riêng người có tín ngưỡng, tôn giáo mà đã trở thành ngày lễ chung của mọi người, trở thành nét văn hóa trong đời sống của người dân. Việt Nam cũng là một trong những nước có tốc độ phát triển và tỷ lệ người sử dụng Internet vào loại cao nhất thế giới. Báo cáo Digital Marketing Việt Nam 2019 cho biết, hiện có tới 64 triệu người dùng Internet trên tổng số 97 triệu người Việt Nam, tăng đến 28% so với năm 2017. Theo số liệu thống kê, có tới 58 triệu người dùng mạng xã hội trên thiết bị di động tính đến đầu năm 2019, con số này tăng 8 triệu người dùng so với năm 2018.

HỢP TÁC THÚC ĐẨY QUYỀN CON NGƯỜI

Cùng với những thành tựu nêu trên, Việt Nam cũng luôn nỗ lực đóng góp tích cực vào những giá trị chung, tích cực và tiến bộ của nhân loại về quyền con người. Việt Nam tham gia tích cực vào các diễn đàn liên quan quyền con người của Liên hợp quốc, ASEAN và các cơ chế khác. Tại các diễn đàn này, Việt Nam đã chủ động đưa ra và được cộng đồng quốc tế hoan nghênh các sáng kiến về quyền con người, đặc biệt về nội dung liên quan bảo đảm quyền phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, những người chịu tác động của biến đổi khí hậu…

Việt Nam coi trọng hợp tác với Cơ chế Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) của Hội đồng Nhân quyền và coi đây là cơ chế hiệu quả để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa các nước. Điều này được minh chứng kể từ khi tham gia năm 2008, đến nay, Việt Nam đã trình bày và đối thoại thành công các báo cáo quốc gia theo UPR chu kỳ I (2009), II (2014) và III (2019). Gần đây nhất, đầu tháng 7 vừa qua, tại Geneve, Thụy Sỹ, trong khuôn khổ Khóa họp lần thứ 41, Hội đồng Nhân quyền của Liên Hợp quốc đã thông qua Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo UPR. Các quốc gia đều hoan nghênh thành tựu đạt được của Việt Nam thể hiện qua quá trình xây dựng luật pháp, xây dựng chính sách cũng như các biện pháp thực hiện của Việt Nam trong chu kỳ rà soát lần này. Tại Phiên họp lần này, các quốc gia đưa ra 291 khuyến nghị thì Việt Nam đã đồng ý tới 241 khuyến nghị, một tỷ lệ rất cao tới 83%. Điều đó cho thấy, mong muốn và quyết tâm của Việt Nam trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.

Phương Minh
 


Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ